Vào Trường Kỹ Thuật - Phần 1

Lời nói đầu

Tôi không phải là một nhà văn, tôi chỉ là một phó thường dân Nam Bộ, nhiều khi còn tầm thưòng hơn những người bình thường khác, một phó thường dân Việt Nam đúng nghĩa của một danh từ, những điều tôi viết dưới đây chỉ là một câu chuyện, câu chuyện thật một trăm phần trăm được kể lại bằng chữ với tất cả khả năng của tôi.

Tôi viết những điều mà những người khác ở Vĩnh Long không ai viết lại, trong khi nhiều người đã viết về những chuyện khác ở Vĩnh Long, nhưng họ không viết về ngôi trưòng Kỹ Thuật. Tôi muốn viết về ngôi trường mà tôi đã theo học, dù thời gian tôi học không dài cho lắm. Ba năm, thời gian không dài so với một đời ngưòi, nhưng với tôi nó mang tính chất quyết định cho cuộc đời của tôi, tôi đã có tất cả từ ngôi trường này, kiến thức cá nhân, tình bạn hữu, biết sống và phải sống như thế nào cho hợp với đạo lý của con người, ngay cả tình yêu của tôi cũng đã trưởng thành từ ngôi trường nầy.

Tôi luôn tự hào với người chung quanh tôi vì tôi là học sinh Kỹ Thuật. Trong lứa tuổi của tôi, lứa tuổi dưới mười khi theo gia đình chạy trốn chiến tranh từ vùng quê “xôi đậu” miền Đông về miền Tây Nam Bộ trù phú, Vĩnh Long với những con ngưòi chất phác, đậm nét văn hóa miệt vườn miền Nam, từ tiếng nói chân chất dễ thương đến tính cách cực kỳ hiếu khách, người dân sinh sống nơi đây có thể nghèo tiền bạc nhưng họ rất giàu tình người, và mảnh đất ở đây cũng có sức hút quyến rũ nhiều người như tôi không làm sao quên được.

Vĩnh Long cửa ngõ của miền Tây Nam Bộ, một vùng đất mang nhiều giai thoại đáng yêu, tôi đã sống nơi đây phần lớn cuộc đời của mình và cũng từ nơi đây tôi mang thân phiêu bạt. Với tôi có ba điều tôi không bao giờ có thể tự tha thứ cho mình nếu mình sai phạm, ba điều tôi muốn nói ở đây, đó là nguyên tắc nhắc nhở cho tôi trong cuộc sống.
“Mang ân của ai thì phải đền,
Chuốc Oán của ai thì phải trả,
Đừng bao giờ phụ cái mảnh đất, nơi đã nuôi mình sinh sống".

Cuộc đời tôi có 5 mảnh đất tôi mang nợ, Bình Dương nơi tôi sinh ra, Vĩnh Long nơi nuôi tôi khôn lớn, Rạch Ruộng, Huyện Trần Văn Thời, Tỉnh Cà Mau, nơi "cải tạo" vì tội dám tổ chức vượt biên, Trại Tỵ Nạn Galăng, Nam Dương, nơi khắc nghiệt nhất trần gian của tôi với chính sách thanh lọc thuyền nhân, Sydney thành phố tuyệt vời nơi tôi sẽ sống suốt quãng đời còn lại.

Mười sáu năm qua, một thời gian không dài so với đời người, nhưng là thời gian quyết định cho một đời người của tôi, 16 năm trôi qua tôi chỉ là một người “ăn hại, đái nát” mảnh đất đã cưu mang đời mình, tôi tự cảm thấy mình hổ thẹn vì chưa làm được điều gì lợi ích cho nước Úc của tôi.

Nhân đây tôi muốn cảm ơn trường Kỹ Thuật đã dạy cho tôi biết sống và phải sống như thế nào cho hợp với đạo lý làm người, và ngay lúc này, ngay bây giờ, mãi mãi sau này, tôi xin chân thành cảm ơn Hội Ái Hữu Liên Trường Kỹ Thuật Việt Nam tại Úc Châu đã tạo điều kiện cho tôi đóng góp những gì hiểu biết xuyên qua trường lớp mà tôi đã học hỏi từ những trường học ở nước Úc để tôi cảm thấy mình không phải là người phế thải của xã hội tôi đang sinh sống. Một lần nữa tôi xin chân thành cảm ơn cái "hội đoàn bé nhỏ sinh sau đẻ muộn" mà tôi cũng là một thành viên trong đó.

Ðiều tôi muốn nói trong câu chuyện này là không một ai, không lấy tay xoa bóp những vết roi in trên da thịt của mình vừa bị đánh khi chúng ta phạm lỗi và cũng không ai là người can đảm dám nếm lại bãi nước bọt mình vừa nhổ, bị roi vọt đó là do là lỗi của mình, có bị đòn roi thì mình mới thấy cái lỗi của mình nhiều hay ít và bãi nước bọt có dơ dáy nhưng nó cũng là của mình, thế mà có ai dám nếm lại cái bãi nước bọt của mình đâu.
Ý tôi muốn diễn tả ở đây là cố gắng đừng bao giờ phạm lỗi, vì trong đời người chúng ta sẽ có những lỗi lầm không thể dễ dàng có thể tha thứ được, nó cũng như cái bãi nước bọt của mình vừa nhổ mà không bao giờ mình dám "nuốt" lại.

Bản thân tôi không bao giờ làm quân cờ tướng cho người ta muốn đặt đâu thì đặt, Kỹ Thuật đã dạy cho tôi biết sống như thế nào cho hợp với đạo lý con người, trường Kỹ Thuật đã dạy tôi như thế, Trường Kỹ Thuật Vĩnh Long có biết bao nhiêu người theo Lính Quốc Gia, cũng không thiếu bao nhiêu người theo Việt Cộng, nhưng chưa bao giờ tôi thấy cái tình bạn đồng môn thật đậm đà của ngôi trường Kỹ Thuật. Đó là cái nhìn của tôi, nó chỉ đúng với nhận xét chủ quan của tôi, còn với người khác như thế nào thì tôi không quan tâm tới, và cũng với cái nguyên tắc “Ân đền, Oán trả” của tôi, nên tôi không bao giờ vì danh dự hay lợi ích cá nhân của mình mà đi gieo thù chuốc oán.

“Đất còn có thổ công, sông có hà bá”

Ông bà và trường học đã dạy tôi như thế, tôi là một người tin tuyệt đối vào sách vở, từ sách vở tôi đã có tất cả, trường học đã dạy tôi cách đọc sách, trưòng học đã dạy tôi hiểu và tin vào Kỹ Thuật, Khoa Học Kỹ Thuật không có ranh giới giữa bên này hay bên kia, khoa học kỹ thuật không có chỗ sang, hèn và không có một trường học nào dạy cho học trò sau khi thành tài đem tài năng của mình để tham nhũng hay hối lộ, hoặc dùng kiến thức để làm mánh khóe ngõ hầu mang lợi ich cho cái lòng tham ích kỷ của mình, hãy mang ơn trường học đừng bao giò bỏ quên trường học

Cái năng khiếu làm giàu, đó là thiên tư của mỗi con người, còn quyền lực phần lớn thuộc về thời thế (Tôi thường hay gọi bạn đồng môn có địa vị là những người "có chức"). Là dân Kỹ Thuật tôi luôn luôn đặt nặng tình bằng hữu lên trên hết, đôi khi có nhiều cái vượt ra ngoài khuôn khổ, nhưng với tôi khi quyết định điều gì, tôi luôn luôn nhìn lại hai chữ Kỹ Thuật, nó có nghĩa là vô tư, là khách quan, là nhìn vào tâm điểm của sự việc, đừng nhìn về bên trái hay bên phải càng không nên nhìn bên trên hay bên dưới, bởi vì không nhìn vào tâm điểm của sự việc sẽ thiếu tính khách quan, nhận xét chủ quan của mình sẽ lệch lạc, theo tôi điều đó không xứng đáng là học trò của trường Kỹ Thuật.

Câu chuyện duới đây không hề là một tiểu thuyết mà gần như là một tập hồi ký. Bởi vì tôi chưa từng là một người cầm bút và tôi cũng không biết cách sắp xếp câu chuyện như thế nào cho đúng với văn chương chuyên nghiệp. Có một nhà văn nổi tiếng đã dạy tôi rằng: “Chú mầy phải đọc đúng một ngàn câu, mới hy vọng viết được một câu đúng với ý nghĩa chú mầy mong muốn. Điều quan trọng khác là chú mầy đừng đọc lộn sách, vì lộn sách văn chương sẽ dẫn dắt chú mày đi vào địa ngục".
Tôi không tin thiên đàng hay địa ngục có thật hay không nhưng câu nói của ông ta nghiệm ra đúng với những gì mà tôi hiểu biết, tôi không có tham vọng trở thành một nhà văn, tôi chỉ muốn dùng những dòng chữ nầy trải rộng lòng tôi ra cho mọi người thông cảm. Những dòng chữ nầy như là một tập hồi ký, sự sắp xếp không mang tính chất chữ nghĩa mà chỉ mang tính chất lịch sử của đời tôi trong đó có một thời gian được học hỏi dưới mái trường Kỹ Thuật.

Tôi gọi “Vào Trường Kỹ Thuật” là hồi ký bởi vì tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm về những điều tôi viết, tất cả những địa danh, những tên người trong câu chuyện này là có thật, tất cả những diễn tiến đều là thật, sự thật một trăm phần trăm. Không có bất cứ một sự hư cấu nào trong câu chuyện này, nhưng có một điều chắc chắn là tôi đã quên ít nhiều chi tiết, có rất nhiều thiếu sót về những điều tôi đã không nêu rõ về những ngưòi chung quanh tôi. Tôi viết lại hoàn toàn sự thật những điều mà đời tôi đã trải qua. “Vào Trường Kỹ Thuật” càng không phải là một tiểu thuyết, vì "những nhân vật và những sự việc đều không do sự tưởng tượng của tác giả, và cũng không có sự trùng hợp ngẫu nhiên ngoài ý muốn...". Chỉ có một điều ngoài ý muốn là tôi đã không đủ khả năng để viết lại tất cả những điều tôi phải viết.

Vũ Trọng Bình
Cựu Học Sinh Kỹ Thuật Vĩnh Long

 

Chương 1

Chuẩn bị vào trường

thu dau mot

Tỉnh Thủ Dầu Một thời Pháp thuộc tức Bình Dương ngày nay
(nguồn: blog TRANHUNG09)

 

Sau nhiều năm trốn học, đi bắt dế, thả diều, tắm sông, dùng đất sét chọi nhau đánh trận giả từ năm 1962 đến năm 1965 tôi cũng đủ điểm để được miễn thi lấy bằng tiểu học vào cuối niên khóa 1964-1965 tại trường Tiểu Học Thiềng Đức, Xã Long Châu, Quận Châu Thành, Tỉnh Vĩnh Long. Tôi chỉ cần cái chứng chỉ bằng tiểu học sau hai năm là tôi có thể thi tuyển vào trường trung học Kỹ Thuật Vĩnh Long.

Quê tôi: Quê tôi ở miền Đông Nam Phần, đó là một ngôi làng nhỏ, rất nhỏ nhưng có một cái tên nghe rất là kiêu hãnh “Ấp Phú Văn, Làng Phú Cường, Quận Châu Thành Tỉnh Bình Dương”. Quê tôi không xa Sàigòn lắm tôi không biết chắc là bao nhiêu Km tính theo đường chim bay, nhưng tôi có thể thấy Cây thánh Giá trên nóc nhà thờ Đức Bà SaiGon bằng mắt thường khi tôi leo lên cây trưòng cao ngút ở miễu Cậu Tư Tưởng, còn nếu muốn thấy rõ hơn thì tôi phải chạy lên đồi cao ở dốc Phú Văn, trèo lên cây cao để nhìn rõ hơn Cây Thánh Giá nhà thờ Đức Bà. Không xa lắm Hòn Ngọc Viễn Đông, nhưng ở đây quê mùa, quê từ giọng nói mang nhiều âm điệu địa phương, mộc mạc đặc thù của những làng quê hẻo lánh.

Chiến Tranh: Vào những năm 1959 – 1960 chiến tranh đã len lỏi vào làng quê nhỏ bé của tôi với chính sách Ấp Chiến Luợc của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, không may nhà tôi lại nằm ngay trên ranh giới của hai làng Phú Cường, Quận Châu Thành và Làng An Thạnh, Quận Lái Thiêu, Cả hai Làng đều thuộc Tỉnh Bình Dương. (Dân cả Tỉnh Bình Dương thường gọi là "Ranh Làng"). Địa danh nầy tương đối nổi tiếng vì từng là bãi chiến trường của hai phe Quốc Gia và Việt Cộng.

Lính Quốc Gia: Vì có một vị trí địa lý như vậy nên ban ngày từ 6-7 giờ sáng lính Quốc Gia rầm rập đi ruồng bố Việt Cộng đến ngay nhà tôi thì dừng lại vì đã tới "Ranh Làng", lính tráng Quốc Gia đóng xung quanh nhà tôi và các nhà lân cận, mãi đến chiều 6-7 giờ tối thì họ đi hết, hồi đó tôi có nhiều câu hỏi để hỏi mẹ tôi, nhưng mẹ tôi cũng không biết như tôi. Trong nhóm lính Dân Vệ (Nghĩa Quân) người chỉ huy có bà con gần với gia đình tôi là Ông Đội Lẹ và Ông Cai Kẹ là bạn của chú Ba Xào con Ông Bảy tôi.

Du Kích Cộng Sản, Việt Cộng: Du Kích Việt cộng thì cũng không ai xa lạ, họ là những người hàng xóm của tôi, đó là chú Tám cắt cỏ (1), cậu 6 Lịch con ông tư Mừng (2), Chú Út Bé (3), chú Út Mương (4), Ạnh Út Phương (5), thằng Vấn (6), anh thằng Đáp (7) con cậu Hai Mấy, và có cả anh Ba Cang (8) con Bác Tư Còng, và thằng Mên (9)nữa. Trong nhóm nầy tôi thân thằng Mên Nhất, nó là thằng nghịch ngợm, gan dạ, du côn, nhưng không bao giờ nó ăn hiếp tôi, trái lại nó là thằng luôn luôn che chở cho tôi, nó là “Ông thần hộ mệnh của tôi thời niên thiếu”.

Bạn Thân nhất: Bình, Vũ Trọng Bình, dân BK chính cống nhưng giọng nói 100% Đông Nam Bộ. Bình cũng ốm yếu, nước da đen đúa như tôi, nhưng nó hơn tôi nhiều thứ lắm, Ba nó là Ông Kiểm Lâm, giàu nhất xóm, cái hàng rào cao, Cái cổng sắt to tướng nhất là hai con chó Bergiê Đức cao hơn tôi một cái đầu với tiếng sủa khi nghe chỉ muốn đi tìm toilet. Nhà nó giàu quá và tôi cũng được hưởng nhiều thứ từ nhà nó, như quần áo, sách vở, cao lương mỹ vị từ thằng Bình, nhưng những thứ đó đều chấm dứt khi má tôi phát hiện, má tôi dốt vì mồ côi cha mẹ sớm, nhưng tự ái của đứa con gái cưng của Thầy Hương Quản Cườm (9) nên má tôi sợ thiên hạ dị nghị là lợi dụng người khác. Chỉ có một điều má tôi không cấm là mỗi buổi sáng tôi đuợc đi học bằng xe hơi hiệu Citroen 2 ngựa của ba nó, có một lần tôi đánh bạo hỏi ông ta làm sao để có xe hơi như ông thì ông nói với tôi: “Ráng học cho giỏi, thật là giỏi chắc chắn xe hơi sẽ chạy vào nhà mình không cần đi kiếm”. Đúng là cái giọng châm biếm của dân BK chính cống.

Mên, một cái tên cụt ngủn giống như con ngưòi của nó, chiều cao thật sự khiêm tốn nhưng có một sức khỏe vượt hơn bạn cùng lứa, sự gan dạ thừa thãi hơn những đứa khác, sự gan dạ mà người khác cho là khùng điên, phá phách, Mên không cha không mẹ, không tên, ngươi ta đặt cho nó một cái tên có ý nghĩa theo dân ở xứ tôi là tượng trưng cho sự kỳ thị xấu xa, (Ngu như Mên Mọi, ăn ở như Mên Mọi, Mên ám chỉ người Miên Campuchia, Mọi ám chỉ dân Thượng, Stiêng, Ê đê, Bana..). Mên không cha không mẹ, dưới con mắt của tôi nó là thằng từ đất nẻ chui lên giống như “Tề Thiên Đại Thánh” Tề Thiên thì có nhiều phép để biến hóa khôn lường, còn thằng Mên có thể làm bất cứ cái gì nó muốn, nó có nhiều tài năng mà những đứa đồng trang lứa đều kính phục. Nó sống với một bà già cũng cô độc và cũng từ đất nẻ chui lên như nó. Cả hai bà cháu nó sống trên một chiếc xuồng cũ kỷ, hôi hám như hai bà cháu nó, tôi thương nó vì nó không bao giờ ăn hiếp tôi như những đứa trẻ khác, và khi cần nó bênh vực tôi một cách cuồng nhiệt và không hề vụ lợi.

Bình Vũ Trọng Bình, một thằng bạn Bắc Kỳ chính cống, tôi và nó học chung một lớp Nhì trường Tiểu Học An Thạnh cách nhà chúng tôi chừng 6,7 Km. Nhà Bình ở tại Ngã Tư Phú Văn, Gia đình nó sở hữu một căn biệt thự thật đẹp, nằm trên một khu đất rộng chừng 3, 4 ha, với một vị trí tuyệt vời nhất vùng và hết sức thuận lợi vì nằm ngay trên Ngã tư Phú Văn, Theo ước lượng của tôi giá trị cái hàng rào chung quanh nhà nó có thể xây 2, 3 cái nhà của tôi, sự giàu sang gia đình của nó không dừng lại ở đó, mỗi ngày nó đuợc đi học bàng xe hơi riêng của ba nó, hai con chó bergiê của nhà nó có lẽ còn giá trị hơn tôi nhiều lần, Bình và tôi thân nhau lắm, hai đứa học lực trung bình như nhau, cùng tuổi, có cùng sở thích giống nhau như những đứa con nít khác, "nuôi cá lia thia, nuôi chim chích choè, thả diều, tắm sông, điều đăc biệt ba đứa chúng tôi không giống nhưng đứa trẻ khác là không bao giờ cờ bạc, thời đó ở quê tôi, bài cào, tứ sắc, bầu cua, tài xỉu gần như công khai ở quê tôi.

Điều ân hận của tôi từ khi xa quê cho đến khi thằng Bình trở thành sĩ quan Nhảy Dù và chết trận ở An Lộc năm 1972 chúng tôi không hề gặp lại nhau, tôi còn nợ thằng Bình nhiều quá, nhiều thứ lắm từ cái áo lạnh mùa Đông tôi mặc đi học là của nó cho tôi mượn khi thấy tôi bị lạnh, cho đến cuốn tập đọc lớp nhì của Đoàn Văn Bảo là cũng của nó cho mượn vì không có tiền mua sách, khi tôi trả lại, nó cho tôi luôn, má tôi không đồng ý, nó trả lời với má tôi: "Thưa dì, con có nhiều lắm, đủ màu, bạn con muốn mấy cái cũng được, dì đừng mắng bạn, con sẽ cho nó nhiều thứ khác nữa" cái giọng Bắc Kỳ, khách sáo, đạo mạo như ba nó, Ông Kiểm Lâm giàu nhất vùng, tôi nợ nó nhiều thứ lắm, tiền bạc, quần áo, sách tập đọc, ngay cả cái việc mỗi sáng đi học bằng xe Citroen 2 ngựa của nhà nó hằng ngày cũng là kỳ công của Bình dành cho tôi (mỗi sáng Ông Kiểm Lâm lái xe nhà đi Saigon làm việc cách quê tôi chừng 20 - 25 Km), khi nghe Bình nói là sẽ xin ba nó cho tôi quá giang xe ba nó đi học bằng xe hơi nhà nó, tôi không bao giờ tin là có thể, nhưng không hiểu bằng cách nào nó đă thuyết phục được ba nó, vấn đề ở đây không phải là được đi xe hơi, mà là tấm chân tình của tình bạn thời niên thiếu của 2 thằng con nít 9,10 tuổi.

Ba đứa, Tôi, Bình, Mên là bộ ba không rời nhau nửa bước trong những ngày nghỉ hè, hằng năm, Ba đứa chúng tôi có cùng sở thích, đặc biệt là ba thằng rất ghét bọn con gái. Ba thằng khi trưởng thành chỉ duy nhất mình tôi lập gia đình, còn hai thằng kia độc thân cho đến khi tụi nó chết. Một kỷ niệm không bao giờ tôi quên được, đó là lần ba đứa chúng tôi đi bắt chim dòng dọc, Các bạn có biết tổ chim dòng dọc là nỗi ước mơ của con nít vùng quê, cả ba thằng chúng tôi luôn tự hào với đám con nít trong xóm là chỉ có ba thằng chúng tôi sở hữu tổ chim dòng dọc mà thôi. Một tổ chim như thế có thể bán cho những đứa con nít con nhà giàu khác lên tới 10 đồng (năm 1960 – 1961). Thằng Bình là COCC, ba nó là ông Kiểm Lâm làm việc tại SaiGon, nó có rất nhiều tiền, đã bỏ ra 5 đồng mướn thằng Mên leo cây lấy tổ chim dòng dọc. Tôi xin mô tả đại khái về giống chim nầy, nó không to lắm rất hiền lành, tương đối nhỏ, yếu hơn những giống chim khác, nên tạo hóa phú cho giống chim nầy có biệt tài làm tổ thật là độc đáo và đầy vẻ mỹ thuật, không có tổ chim nào đẹp và quí cho bằng tổ chim dòng dọc.

Có lẽ vì yếu thế hơn những giống chim khác nên tổ chim dòng dọc luôn luôn treo lơ lửng ở đầu những cành cây bé nhỏ, và một điều thú vị khác là chỗ nào có tổ chim dòng dọc là chỗ đó có tổ Ong “vò giẻ”, Ong “vò giẻ” một loài Ong dữ tợn, theo khoa học hiện nay một đứa con nít khoảng 8-10 tuổi nếu bị Ong “vò giẻ” đánh từ 30 đốt trở lên thì có thể “đi ngủ với giun”. Vậy mà thằng Mên vì 5 đồng bạc của thằng Bình, nó liều cái mạng cùi của nó bẻ gảy một nhánh cây bần chát để có 5 tổ chim dòng dọc, nhưng cũng phải trả giá cho cái con mằt bên phải, cái cùi chỏ và cái môi thừ lừ như cái mũi heo, tội nghiệp nó quá, nó than vãn bây giờ có mướn nó tới 50 chục đồng nó cũng chẳng dám làm.

Tôi được chia 2 cái tổ chim vì có công thuyết phục thằng Mên làm chuyện động trời đó, và cũng vì hai tổ chim mà má tôi đã đánh tôi gãy hết một cây chổi lông gà, các bạn có biết cán chổi lông gà làm từ dây mây đó các bạn, chân tôi, tay tôi, mình mẩy tôi, ngay cả mặt tôi cũng đầy lằn ngang lằn dọc, nhiều khi tôi nghĩ tôi không phải là con ruột do má tôi sinh ra tôi. Có người nào đó đã méc với Má tôi, Má tôi không nói làm sao bà biết chuyện đó, nhưng tôi thì biết là ai, tôi không trách chú ấy, vì nếu là tôi, tôi cũng hành xử như vậy.

Đó tuổi thơ tôi như thế đó, bù lại tôi có một trí nhớ khác thường, ngay bây giờ tôi còn nhớ như in hồi tôi 4-5 tuổi, tôi bị ba tôi đánh tơi bời vì tôi không dạ khi ba tôi bảo tôi phải dạ tại vì tôi nghĩ là tôi không có lỗi nên tôi không bao giờ khuất phục, và thật sự như vậy tôi không bao giờ khuất phục trước bạo lực. Tôi luôn luôn tôn trong sự thật, và tôi chỉ khuất phục trước lẽ phải mà thôi..

Tuổi thơ tôi tiếp tục bất hạnh như thế cho đến ngày tôi thi đậu vào trường Kỹ Thuật Vĩnh Long. Kỹ Thuật làm cho cuộc đời tôi đã lật sang trang mới, so với ngưỏi khác nó thật là tầm thường, nhưng với tôi nó thật sự to lớn, nó là niềm tự hào của cả cuộc đời tôi, cũng nhờ vào trường Kỹ thuật mà tôi có tất cả, cuộc sống, sự nghiệp và ngay cả tình yêu của tôi cũng bắt đầu từ trường Kỹ Thuật, hồi tưởng lại lúc tôi 8-9 tuổi, tuổi thơ của tôi vì chiến tranh, vì sự nghèo nàn của gia đình, vì làm chủ một gia đình nhưng vì ba tôi phải trốn chạy luật 10/1959 của Tổng Thống Ngô Đình Diệm (thời trước khoảng 1945-1946 ba tôi có tham gia phong trào Việt Minh khoảng năm 1945), ba tôi đã chạy trốn đến Vinh Long sống bằng nghề chạy xe Lam ba bánh.

Ba tôi là một người hào hoa, phong nhã, rất điển trai, thích chơi “Hoa”, nhất là những đóa Hoa biết nói, Ba tôi không dám về xứ, bỏ mặc má tôi với 5 anh em tôi gồm chị hai tôi, tôi, em gái tôi, và hai thằng em trai nhỏ nữa. Má tôi một nách 5 con nhỏ dại sống chủ yếu bằng mảnh vườn nhỏ không quá 3000m2, và nghề làm mướn, má tôi không biết đọc chữ, nói nôm na là dốt , nhưng mơ ước của bà là anh chị em chúng tôi phải được đi học, tôi bị đòn roi nhiều nhưng không oán trách gì má tôi cả, bởi vì tôi quá ham chơi, không phụ giúp má tôi như chị hai tôi, trái lại con trốn tránh việc nhà đọc truyện Tề Thiên Đại Thánh (Phụ bản báo Buổi Sáng do bà Bút Trà làm chủ bút), hoặc tuần báo "Thằng Bờm". Tôi rất ham thích đọc truyện, nhất là Tề Thiên Đại Thánh và Lucky Luke trong tuần báo Thằng Bờm, ham đọc đến độ quên hết những lời má tôi dặn dò cần phải làm những điều má tôi cần, nên thường bị đánh đòn là chuyện đương nhiên, chỉ có điều là má tôi đánh tôi như “An Ninh Quân Đội” điều tra Việt Cộng.

Có một lần má tôi lỡ tay đánh tôi súyt chút nữa là con mắt trái của tôi đi “du lịch” đường xa, và lần đó, tôi có một ý nghĩ điên khùng là tại sao mình không chết như thằng Út con bà ba Cọp (10), cái thằng bằng tuổi tôi mới chơi với nó 2 ngày trước, vậy mà hai ngày sau trúng gió chết dễ dàng như người ta đi ngủ. Chết như con Năm con bà Cù Lẹn (11), vừa mới cãi lộn với tôi, chỉ 5 phút sau vướng lựu đạn không biết Quân đội Quốc Gia hay Việt Cộng gài trong cái tàu cau vắt ngang hàng rào ấp chiến lược, nó chết một cách ngon lành, không một lời trăn trối, cả con Ngân nữa, nó học cùng lớp với tôi, nhà nó giàu lắm, và nó cũng tham ăn số 1, và vì cái tật tham ăn đó, nên khi đi ăn đám cưới dì nó, không biết ai ganh ghét bỏ thuốc độc trong thức ăn cả cái đám cưới trúng độc, ai cũng tai qua nạn khỏi chỉ mỗi một mình nó là được phép đi lên thiên đàng mà thôi.

Nhiều lúc buồn quá, ngồi ngẫm nghĩ một mình, cuộc đời tôi có cái gì đáng để mà sống đâu. Có lần bị bệnh cảm, bà nội tôi sắc thuốc cho tôi uống, phần thì thuốc bắc nó đắng, phần thì thấy sao cuộc sống của mình không đáng sống, tôi lén đổ chén thuốc, không thèm uống, tôi muốn chết cho xong vì với tôi cuộc sống nầy có cái gì thú vị đâu mà sống thêm cho chật đất, bà Nội tôi phát hiện, phải nấu thang thuốc khác cho tôi uống, trên cuộc đời nầy chỉ có bà Nội tôi mới có thể thuyết phục đươc tôi vì bà mới là người thật sự yêu thương tôi, vì tôi là con nít nên ai thương tôi thì tôi thương lại, với tôi bà nội tôi là tất cả, bà Nội tôi là bà tiên hiền dịu bà Nội tôi là “lòng mẹ, bao la như biển Thái Bình”. Còn ba, má tôi đã đi chỗ khác, không có chỗ đứng trong trái tim nhỏ bé của tôi.

“Gió đưa bụi chuối sau hè,
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ"

Lời ru em của mẹ tôi, như những vết dao đâm từng nhát vào tim tôi, vì những lời ru em đó chính là cuộc sống thực tế của anh em chúng tôi. (Ba tôi không có vợ bé vì bà Nội tôi không đồng ý, bằng không chắc tôi cũng có nhiều anh em cùng cha khác mẹ. May mà bà Nội tôi nghiêm cấm ba tôi, nên tôi có một đứa em gái dị bào, cùng cha khác mẹ với tôi, và đứa em đó chỉ lớn hơn con đầu lòng của tôi chưa được 1 tuổi. Còn bao nhiêu đứa nữa tôi không biết, nhưng tôi biết những đứa con dị bào của ba tôi chắc chắn không dừng lại ở con số là 1 đứa). Tâm sự đó là của má tôi, của anh em tôi, anh chị em tôi dồn tất cả tình thương cho má tôi. Tôi không bao giờ oán trách má tôi cả, tôi chỉ trách ba tôi sao nỡ bỏ anh em tôi sống với tuổi thơ hẩm hiu, thua thiệt như vậy. “Con không cha như nhà không nóc, Anh em chúng tôi không có cha vì hoàn cảnh chiến tranh, vì tình cảnh chính trị của đất nước. Chúng tôi tự an ủi mình như vậy cho cuộc sống đỡ khổ hơn, và cứ như thế nó kéo dài, dài mãi, vâng mãi mãi và mãi mãi …

Sydney, June, 2009
Vũ Trọng Bình
Hội Ái Hữu Liên Trường Kỹ Thuật Việt Nam/Úc Châu

 

 

 

Bình luận  

 
0 #1 Hoàng Chương Thứ 5-08-12 12:29
Loạt bài này được đăng lại từ Website cũ, nội dung vẫn giữ nguyên, chỉ sửa lỗi đánh máy và trình bày lại. Hy vọng tác giả có thời gian nhuận sắc và viết tiếp.
 

Bạn không có quyền bình luận.