Vài ghi nhận về Ngày Đại Hội 23/11/2012

 ThanhVien

Với ý nghĩa họp mặt để nhớ trường, nhớ bạn, nhớ thầy cô và nhớ lại những gì gần gũi thân thương nhất của một thời học trò tươi đẹp đã qua, năm nay, Đại Hội Đệ Tứ Chu Niên của Liên Trường Kỹ Thuật Việt Nam Úc Châu cũng đã được tổ chức tại nhà hàng Crystal Palace, Canley Heights, NSW vào ngày 23/11/2012.

BanTho 


Lễ tưởng niệm, tri ơn các thầy cô và các bạn đồng môn quá vãng đã được cử hành trong vòng nội bộ từ 4 giờ 30 chiều. Các cựu giáo sư và sinh viên, học sinh Kỹ Thuật tại Sydney cùng với các đồng nghiệp và đồng môn đến từ Melbourne, Adelaide, Brisbane, Perth, California ( Mỹ) và Việt Nam cùng đứng lên, hướng về bàn thờ linh vị được thiết lập thật trang trọng bên cánh phải của hội trường. Dưới ánh đèn sáng rực, hai câu đối khắc nổi theo thư pháp, lấp lánh màu tuyết  trắng trên nền vải đỏ:

               Liên Trường Kỹ Thuật ân sư nặng nghĩa
               Ái hữu đồng môn huynh đệ thâm tình.  

Trên bàn thờ với đầy đủ hương, hoa, trà, quả và một con heo quay. Ba cây nhang lớn đã được một phụ tế đốt lên, trao cho chủ tế là một cựu giáo sư đã 75 tuổi trong y phục truyền thống, áo dài khăn đống màu xanh, quỳ trước bàn thờ linh vị. Sau một hồi trống vang dội, vị chủ tế bắt đầu đọc bài văn khấn:


Nhớ linh xưa:

* Hai nhà ái quốc Nguyễn Trường Tộ và Cao Thắng, được xem là biểu tượng của trí tuệ và tài năng của ngành Giáo Dục Kỹ Thuật Việt Nam: Nguyễn Trường Tộ nhìn xa trông rộng, đã dâng 14 bản Điều Trần với nguyện vọng canh tân đất nước. Cao Thắng tài năng đã từng chế tạo được súng  khiến quân Pháp phải lo lắng trước sức kháng cự của nghĩa quân Cần Vương.
* Những Vị Tiền Bối đã có công sáng lập và phục vụ ngành Giáo Dục Kỹ Thuật, mong nước nhà được tân tiến sánh vai cùng các nước bạn.
* Các Cố Giáo Sư, đã từng mang hết tâm huyết truyền đạt sự hiểu biết và kỹ năng của mình cho những mầm non tương lai đất nước.
* Các Cố Sinh Viên-Học Sinh đã đem hết khả năng để học hỏi trau dồi kiến thức hầu có đời sống an vui và phục vụ xã hội tốt đẹp hơn.
Nhưng những nguyện vọng, những tài năng, những mơ ước đó đều không được trọn vẹn: Quí Liệt Vị đã rời xa cuộc sống đời thường!


Hôm nay, ngày 23 tháng 11 năm 2012, nhằm ngày Mùng Mười tháng Mười năm Nhâm Thìn. Trước Bàn Thờ Linh Vị được thiết lập tại Canley Heights, thành phố Sydney, tiểu bang New South Wales, Úc Châu.
Chúng tôi, những cựu Giáo Chức và Cựu Sinh Viên-Học Sinh của các trường Kỹ Thuật Miền Nam Việt Nam, dưới danh nghĩa Hội Ái Hữu Liên Trường Kỹ Thuật Việt Nam, Úc Châu
Xin kính dâng chút lễ gọi là Lễ Tưởng Nhớ Tiền Nhân,Thầy Cô và Bè Bạn đã quá vãng.


                   Nhớ thuở trước,

Nơi chốn quê nhà,
Cha mẹ già phụng dưỡng, con tròn đạo hiếu,
Thầy Cô kính viếng, vẹn đạo ân sư
Huynh đệ đồng môn, tri kỷ thâm tình,
Mộng đời học sinh, một trời hạnh phúc .

          Nào ngờ

Vật đổi sao dời,
Miền Nam thay chủ, ngàn đời khó quên!
Nay tha phương, thân lưu đất khách,


Đàn con kỹ thuật, vương vấn niềm đau
Lắm khi lệ thắm tuôn trào,
Quê nhà vạn dặm, ai nào người thân?
Ái Hữu Đồng Môn, xích lại gần,
Liên Trường Kỹ Thuật, quây quần có nhau
Ngàn kỷ niệm xưa, muôn vàn thương nhớ:
Nhớ sân trường, nhớ áo xanh đồng phục,
Nhớ ngành nghề, nhớ lúc nên người,           
Nhớ ân sư, nhớ người dạy dỗ,
Nhớ quê nhà, nhớ tổ nhớ tông,
Bao năm bồi đắp vun trồng,
Thầy Cô công khó, một lòng thương yêu,
Lúc cứng rắn quyết tâm uốn nắn,
Khi mềm lòng thương mến nhủ trao:
“Trò nên nhớ, vào đời chưa đủ,
Học phải hành, chuyên nghiệp dồi trau,
Thêm đạo đức, giàu lòng nhân ái,
Hầu sau nầy trọn vẹn nên người,
Mang nghề nghiệp vào đời cho đẹp!”

            Hãy nhớ,

“Nơi quê người, cố công học hỏi
Kỹ thuật mới lạ, tân tiến mênh mông
Miễn sao cho được thỏa lòng,
Mang điều sở học góp công giúp đời”                  
Ba mươi bảy năm dài, tháng chờ, ngày đợi,
Mong tổ quốc sớm có dân chủ  tự do,
Người người ấm no, nhà nhà sung túc
Ngày trở về quê hương,
Tràn đầy hạnh phúc yêu thương,

Âm dương cách biệt thôi đành,
Hương Hoa Trà Quả sắm sanh,
Liên Trường Kỹ Thuật lòng thành kính dâng.
Kính mời Chư Liệt Vị , thượng hưởng!

Sydney, ngày Mùng 10 tháng 10 năm Nhâm Thìn      
Liên Trường Kỹ Thuật Việt Nam/Úc Châu
                                                  KÍNH BÁI
                                         

TeLe

 

DocVanTe

 

Giọng đọc của Thầy chủ tế trầm trầm, run run khiến lòng mọi người hơi chùng xuống, một chút cảm xúc trào dâng lên khóe mắt. Trong khói hương trầm lan tỏa khắp hội trường và ngọn lửa đang thiêu rụi bài văn tế dài 4 trang giấy, như có phảng phất đâu đây anh linh của nhũng người đã khuất hiện về chứng giám. Sau khi người chủ tế kính bái 4 lạy, tất cả các thành viên khác lần lượt mỗi người một nén nhang thành kính khấn trước bàn thờ. Buổi lễ tưởng niệm chấm dứt, tất cả mọi người cùng chụp chung nhũng tấm hinh  lưu niệm. Sau đó là khoảng thời gian giải lao, tay bắt mặt mừng, hàn huyên  tâm sự, chuyện xa xưa từ 4,5 mươi năm về trước, chuyện thăng trầm trong cuộc sống bây giờ, kể sao cho xiết.

 DotVanTe

 

Khoảng 7 giờ tối, hội trường như bừng sáng. Đối diện sân khấu là bức màn, hình lá cờ Việt Nam màu vàng 3 sọc đỏ ôm trọn bản đồ Việt Nam hình cong chữ S. Đây đó, các thành viên nam trong áo sơ mi trắng, cà vạt xanh có logo Liên Trường Kỹ Thuật, còn các thành viên nữ, tha thướt trong chiếc áo dài màu xanh với hàng chữ Liên Trường Kỹ Thuật Việt Nam Úc Châu kết bằng kim tuyến trắng buông dài trên tà áo trước. Mọi người tới lui bận rộn đón tiếp khách.

 ChaoMung


7 giờ 40 Đại hội khai mạc với lễ chào quốc kỳ và phút mặc niệm. Hai bản quốc ca được trổi lên cùng với hai lá quốc kỳ Úc Đại Lợi và Việt Nam phất phới trên màn ảnh của hội trường. Lời tuyên đọc thật trầm hùng trong phút mặc niệm đã làm cho tất cả mọi người vô cùng xúc động. Trong bài diễn văn chào mừng quan khách, ông Hội trưởng đã khẳng định Liên Trường Kỹ Thuật Việt Nam Úc Châu là một hội Ái hữu tập họp các cựu giáo sư, sinh viên và học sinh các trường Kỹ Thuật của miền Nam Việt Nam, không phải là một tổ chức chính trị và có lập trường của người tỵ nạn, sinh hoạt cùng các hội đoàn khác trong Cộng Đồng người Viêt tỵ nạn tại NSW, Úc châu.

Người học trò khi đã trưởng thành đều nhận biết tình nghĩa thầy trò là một tình cảm thật tốt đẹp, thật  thiêng liêng và được trân trọng ghi nhớ:
          Mùng một Tết cha, mùng ba Tết thầy

Với ý nghĩa cao đẹp đó, Liên Trường Kỹ Thuật Việt Nam Úc Châu cũng đã tổ chức Lễ nhớ ơn và trao quà lưu niệm cho các thầy cô.

 TraoQuaLuuNiem

 

Sau lời phát biểu cảm tưởng của một cựu giáo sư đến từ Queensland, chương trình văn nghệ được bắt đầu với hoạt cảnh “NGÀY TRỞ VỀ’ do các thầy cô và các anh chị em của Liên Trường Kỹ Thuật Việt Nam Úc châu trình diễn. Giữa sân khấu một cô dâu trẻ của Kỹ Thuật, trong vai vua Quang Trung, uy nghi với gươm sáng tuốt trần, đứng trụ hình giữa 4 tướng sĩ đang giơ cao những ngọn cờ hiệu của Vua và của  nước Việt Nam. Đèn hội trường đựơc tắt. Sau một hồi trống dồn dập, một cô dâu Kỹ Thuật, tuổi trên 70, trong áo dài đồng phục, bước lên khán đài, chậm rãi và khúc chiết đọc lời giới thiệu chiến thắng lẫy lừng của Hoàng Đế Quang Trung:

Kính hồn thiêng sông núi,
Kính anh linh các đấng anh hùng hào kiệt đã dầy công dựng nước và giữ nước,
Chúng con đây, những người Việt tha phương quá đỗi đau lòng trước đại họa xâm lăng từ phương Bắc.
Nhớ xưa kia,ngày mùng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu, 1789, Quang Trung hoàng đế, một thiên tài quân sự mà các binh gia Âu Á ít người sánh được, bằng chiến thuật chuyển quân thần tốc, tấn công ào ạt và bất ngờ, chỉ trong 7 ngày đã đại thắng 20 vạn quân nhà Thanh, giữ vững nền tự chủ cho đất nước. Phải chăng hào khí anh hùng dân tộc đã giúp dân ta, một nước nhỏ, phá tan được xâm lăng của giặc Tàu phương Bắc?

Bản nhạc Vua Quang Trung của Hoàng Thi Thơ được trổi lên cùng với hình ảnh trận đại thắng 20 vạn quân nhà Thanh trên màn hình.Trên sân khấu cũng diễn lại cảnh các tướng Tàu kiêu căng, no say rượu thịt, hà hiếp dân lành, bị đạo quân của vua Quang Trung rượt đuổi tan tành.

VuaQuangTrung 

QuanThanhTanAc

 

QuanThanhThuaChay

 

Từ bên cánh phải sân khấu, lời dẫn đọc mang chút âm hưởng xót xa đã nhắc cho khán thính giả nhớ những thảm trạng đau thương mà người dân trong nước đang gánh chịu:

Từ sau ngày mất nước 30 tháng Tư năm 1975, hằng triệu con dân đất Việt phải bỏ nước ra đi, cuộc di cư vĩ đại lần thứ hai: kẻ xông ra biển, người băng rừng vượt núi, liều chết, bất chấp hiểm nguy. Năm trăm ngàn người Việt đã vùi thân giữa lòng đại dương, chỉ để tìm cho được hai chữ Tự Do. Ngày nay, chúng con đã an bình trên quê hương mới, nhưng lòng vẫn hướng về đất mẹ, nơi đang có quá nhiều áp bức bất công, người giàu sang quyền thế bên kẻ cơ cực bần hàn. Dải non sông hoa gấm mà tiền nhân đã đổ bao xương máu mới gầy dựng được, đã mất dần vào tay kẻ thù truyền kiếp:
* Thác Bản Giốc, Ải Nam Quan, những địa danh lịch sử đã ngậm ngùi lìa xa đất Việt.
* Hoàng, Trường Sa dậy sóng, ngư dân phải bỏ nghề, rời vùng biển thân yêu đã bao đời nuôi sống họ.
* Tây nguyên đất đỏ, địa điểm chiến lược, giờ là nơi người phương Bắc khai thác tài nguyên, xây dựng cứ địa cho những mưu đồ đen tối về sau.
* Ruộng vườn, đất đai Tiên Lãng, Văn Giang mà dân quê đã bỏ công bồi đắp, đã bị kẻ cường quyền cướp đoạt. Chẳng những không ai được bênh vực theo lẽ công bằng mà còn bị tù đày đánh đập dã man.
* Các bậc thức giả, các vị tu hành đạo cao đức trọng, cũng nào có yên, cũng bị bức hại, giam cầm.
* Chỉ với hai bài hát tỏ lòng yêu nước mà người thanh niên Việt Khang phải chịu bản án 4 năm tù giam.
Việt Nam chúng con đâu? Có phải Việt Nam chúng con đã thực sự lâm nguy vì kẻ xâm lược đã cướp đất, cướp biển, giết hại ngư dân, liên tục gây hấn, chủ trương bành trướng bá quyền trong khi người cầm quyền thì hèn hạ với giặc, tàn ác với dân. Oan khiên động tới mấy từng trời, hải ngoại chúng con phải làm gì trước đại họa mất nước nầy?

 Cùng lúc với lời dẫn đọc trên, giữa sân khấu, cảnh kéo tàu vượt biên giữa đêm khuya (lúc đó đèn hội trường tắt), cùng với cảnh công an xua đuổi, đánh đập dân nghèo buôn gánh bán bưng, dân quê bị cướp đoạt ruộng vườn đất đai trong khi trên màn hình, cảnh công an trấn áp bắt giam dân oan khiếu kiện, người đi biểu tình bảo vệ Hoàng, Trường Sa, trong lời ca thống thiết của chính ca nhạc sĩ Việt Khang.
Việt Nam tôi đâu? Người Việt hải ngoại phải làm gì?

 NhanDanSinhHoat

  DanAp

 

TauVuotBien

 

Sáu lá cờ các nước: Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Na Uy, Thụy Điển cùng với hai lá cờ Úc Đại Lợi và hai lá cờ Việt Nam ở giữa, tượng trưng cho những người Việt đang định cư tại các quốc gia tự do, được giơ cao lên và phất theo điệu nhạc bởi mười diễn viên.

HangCo

Sau đó đoàn cờ dàn hàng ngang để nghe lời tâm huyết được đọc từ khán đài:

Giờ đây đất nước Việt Nam chúng con đã thật sự lâm nguy, nhưng dẫu có “ngàn năm nô lệ giặc Tàu hay trăm năm nô lệ giặc Tây” thì với Hồn Thiêng Sông núi, với Hào Khí Anh hùng dân tộc, tất cả con dân đất Việt chúng con, trong cũng như ngoài nước, sẽ có đủ sức mạnh để giữ vững truyền thống chống xâm lăng, bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ.

NGÀY TRỞ VỀ quê hương của chúng con sẽ không còn xa.
Đất nước Việt Nam thân yêu của chúng con nhứt định sẽ có:
TỰ DO, DÂN CHỦ và NHÂN QUYỀN

 Bản nhạc vui tươi hùng tráng: Việt Nam quê hương ngạo nghễ sáng tác của Nguyễn Đức Quang được cất lên với sự xuất hiện của 6 diễn viên mang các tấm bảng: Ngày, Trở, Về, Tự do, Dân chủ, Nhân quyền và 1 diễn viên cầm Logo Liên Trường Kỹ Thuật đứng giữa, kéo theo đoàn cờ, đi vòng quanh sân khấu rồi cùng tiến thẳng tới bức màn có hình lá cờ và bản đồ nước Việt Nam: Vậy là Người Việt hải ngoại sẽ về tới Việt Nam với Tự do, Dân chủ và Nhân Quyền.

 NgayTroVe

 

TuDoDanChuNhanQuyen

 

HoatCanhNgayTroVe

Hoạt cảnh Ngày Trở về chấm dứt với những tràng pháo tay khen thưởng vì nó đã nói lên được tâm tư và ước vọng của người Việt hải ngọai. Tất cả các thành viên Kỹ Thuật hết sức vui mừng.

28/11/2012
Người ghi nhận,
Hoa-Phấn
      Hội Ái Hữu Liên Trường Kỹ Thuật Việt Nam, Úc Châu

 

Xin mời xem thêm

- Toàn bộ hình ảnh của Đại Hội Liên Trường Kỹ Thuật Việt Nam/Úc Châu tại Chuyên Mục Hình Ảnh - Đại Hội Thường Niên - Đại Hội Kỳ 5, 2012

- Đài VNRA tường trinh về Đại Hội LTKT VN/UC Kỳ 5

 


 

Bạn không có quyền bình luận.