Trường tôi

Trong cuộc đời chúng ta ai ai cũng có quá nhiều kỷ niệm: vui có, buồn có. Kỷ niệm là chiếc gối êm cho tuổi già. Thí dụ như những buổi chiều mưa lạnh, những buổi sáng đìu hiu, bên tách trà nóng mà nghe giọng hát Thái Thanh với nhạc phẩm Kỷ Niệm của Phạm Duy sẽ thấy lòng chùng xuống hắt hiu.

truong-trung-vuongTrường Nữ Trung Học Trưng Vương Sài Gòn trước 1975
Nguồn: Hòn Ngọc Viễn Đông
Tôi vẫn nhớ như in những ngày tháng còn cắp sách đến trường nữ trung học Trưng Vương. Ngôi trường cổ kính nằm cuối con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thuở ấy, bất cứ cô nữ sinh áo trắng nào có đeo phù hiệu Trưng Vương đều thấy thật hãnh diện. Hãnh diện bởi muốn vào học ở trường này thì phải vượt qua kỳ thi tuyển vào đệ thất (lớp 7). Cuộc thi rất khó vì phải vượt qua mấy ngàn sĩ tử. Qua được kỳ thi khó khăn đó để có tên trên bảng vàng thì ai mà không tự hào là nữ sinh của trường trung học Trưng Vương cơ chứ?

Nơi đây đối với tôi có quá nhiều những điều không thể quên được gồm có bạn bè và thầy cô. Quên được làm sao hình ảnh thầy Hoàng dạy môn Anh Văn, là môn mà tôi chúa ghét (vì tôi quá dở). Trong năm đệ nhị (lớp 11 bây giờ) Thầy đã điểm mặt tôi, "Học như em thì làm sao mà thi đậu năm nay? Em mà đậu năm nay tôi sẽ không dạy nữa".
Năm ấy tôi thi đậu. Vào đầu năm lớp 12 gặp thầy tôi nhoẻn miệng cười: "Thưa thầy, em đậu rồi ạ", tuyệt nhiên không nhắc đến lời thầy đã nói trước.

Trường tôi nằm cuối con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bên phải của trường là cuối đường và được chận lại bằng một hàng rào kẽm gai dày đặc. Bên kia hàng rào là căn cứ Hải Quân. Bên trái là trường Võ Trường Toản. Chúng tôi thường chọc ghẹo là "Vỏ Trứng Thối". Còn các bạn nam sinh thì phản pháo lại: "Trứng Vịt".

Hai ngôi trường một nam một nữ chỉ cách nhau một bức tường. Mỗi thứ Hai chào cờ chúng tôi đều được bà Tổng Giám Thị nhắc nhở những kỷ luật của trường bằng micro phone:
- Con gái phải đứng đắn đoan trang. Mặc áo dài phải mặc áo lót. Áo đầm phải dài quá gối. Không được nói chuyện với bạn trai trước cổng trường vv...vv....
Còn nhiều, nhiều lắm. Và những điều này các nam sinh VTT đã nghe rõ mồn một.
Các anh VTT gặp chúng tôi thường cười đểu:
- Nhớ mặc áo lót nghen mấy em. Kẻo gió vào đau bụng!

Tan học, trước cổng trường nào là phụ huynh đến đón, nào là bồ của các cô lớp 11, 12 thuộc đủ mọi binh chủng, nào là các nam sinh của các trường Chu Văn An, Petrus Ký, Cao Thắng, Nguyễn Trường Tộ kéo đến đứng đầy trước cổng trường. Như một ngày trẩy hội.

***

Một điều như luật bất thành văn là các nam sinh của Cao Thắng và Nguyễn Trường Tộ đều không thích nhau. Họ luôn gườm nhau chỉ chờ có dịp là "đấu võ".

Có một kỷ niệm không bao giờ quên trong năm học 11 của tôi. Hôm ấy sau khi tan học, chúng tôi ngồi lại tán gẫu, ăn bò bía, uống đậu đỏ bánh lọt nước dừa cùng bạn bè chán chê rồi mới lên xe đi về. Năm ấy tôi được ba mua cho chiếc PC, oai nhất trong đám bạn bè, vì đứa nào cũng đạp xe đạp đi học. Bạn bè có đãi tôi ăn bò bía cũng để chỉ được leo lên xe chạy một vòng.

Đột nhiên, hôm ấy chiếc xe dở chứng không chịu nổ máy. Chúng tôi thay nhau cố sức leo lên xe đạp đến đổ mồ hôi mà xe vẫn không nổ máy. Một anh bên Cao Thắng đang đứng tán gẫu cùng vài người bạn VTT bên kia đường thấy vậy chạy qua hỏi:
- Các em có cần giúp gì không?
A! tên này giỏi lắm cũng chỉ là 11,12 mà dám gọi bọn này là em. Nhưng không sao mình đang cần mà:
- Xe không nổ máy, anh bạn có thể giúp gì không?
- À, nghề của chàng mà! Dân cơ khí không biết thì ai biết?
Thế là hắn loay hoay với chiếc xe. Một chàng Nguyễn Trường Tộ trong bộ đồ xanh chạy đến:
- Có cần giúp một tay không?
- Không cần. Tôi nghĩ Cao Thắng dư sức rồi.
Loay hoay cả tiếng đồng hồ, chiều đã tắt nắng, mọi người đã từ từ về nhà, cửa trường vắng ngắt, tôi lo lắng không ít, vì ruột gan phèo phổi của chiếc xe đã được gã Cao Thắng moi ra để đầy trên mặt đường. Anh chàng Nguyễn Trường Tộ vỗ vai hắn:
- Ráng lấy điểm với người đẹp đi nha. Tui dìa. Chúc may mắn.
Sau một hồi loay hoay, chàng Cao Thắng tuyên bố:
- Không kiếm được bịnh. Cô ở đây tui chạy đi kiếm người giúp nghen.

Chẳng còn cách nào hơn, tôi đành gật đầu.
Nhưng chờ mãi gần 7 giờ tối cũng không thấy hắn trở lại. Tôi vô cùng lo lắng đẩy xe vào trường gặp ông Hoàng Tử Chột (biệt danh của ông gác dan), gởi chiếc xe ở trường và gọi điện thoại cho ba đến đón về.

Sáng hôm sau tôi kể lại cho bạn bè nghe, đứa nào cũng nói gã Cao Thắng đó họ Sở. Hắn không gạt tình nhưng hắn lại đánh bài chuồn thì có khác gì. Từ đó chúng tôi ai cũng ghét các chàng Cao Thắng, mất hẳn niềm tin và thề nếu không rửa mối hận này thì không phải là con cháu Hai Bà.


KN-TrungVuongHai nữ sinh Trưng Vương cưỡi voi diễn hành trong ngày lễ Hai Bà Trưng tại Sài Gòn

Thời gian trôi qua, thù vẫn còn trong bụng nhưng chưa có dịp để trả. Thế nhưng ngày ấy cũng tới.
Một hôm tan học, một nhóm nam sinh trong đồng phục Cao Thắng, một xe một chàng hoặc một xe hai chàng chạy đến cuối trường đứng đó. Họ chỉ trỏ nói cười. Chúng tôi rủ nhau mỗi đứa leo lên xe của mình giăng thành hàng ngang hiên ngang ngồi trên xe ăn bò bía. Lát sau các chàng ra về nhưng gặp phải chướng ngại vật là chúng tôi. Các chàng năn nỉ:
- Cho tụi anh qua được không mấy em?
Một cô bạn nhanh nhẩu:
- Gọi bằng chị thì may ra.
Các anh nhìn nhau:
- Xin các chị, cho tụi này qua.
- Phải xưng em mới đúng chữ nghĩa chớ.
- Xin các chị, cho chúng em qua.
- Mỗi em muốn qua phải mua một ly đá nhận cho các chị mới được qua.
Thế là hôm đó hàng bán đá nhận trúng mối nhờ món quà mãi lộ đó.
Chúng tôi được một dịp cười bò lăng bò càng và mỗi lần thấy bóng dáng Cao Thắng là cả bọn lại nhao nhao:
- Chị Hai nè em. Lại đây chị bảo. Cho vài cái khăn hỷ mũi nè.

***

Thời gian trôi qua thấm thoát mà đã mấy chục năm. Bạn bè mỗi người mỗi ngã. Tôi thường tìm kiếm những người bạn đã cùng tôi lớn lên trong ngôi trường yêu dấu đó. Trớ trêu sao! Một cô bạn thân của tôi, sau 75 lại là người bạn đồng hành với tên họ Sở ngày nào. Chúng tôi gặp nhau tay bắt mặt mừng, hàn huyên thăm hỏi, tôi hỏi Thức (chồng cô bạn):
- Sao hôm ấy anh đi tìm người giúp rồi mất tiêu luôn vậy?
Thức cười:
- Có gì đâu. Chạy kiếm người tới kéo xe cho cô không được mà thấy tối quá rồi nên....lặn luôn. Hì hì hì.
Thật không có nụ cười nào....nham nhở hơn nụ cười của Thức lúc ấy. Nhưng nhờ vậy tôi có thêm một chiếc gối êm ả trong những ngày cuối đời hạnh phúc này.

Kim Nguyễn
Nguồn: Blog Việt Luận


Tác giả phụ chú: Giờ anh họ Sở đã là phe ta, hiện đang ở Canada, và là chủ một garage sửa xe rất lớn, cho dù ở Úc cũng không dám đem xe lại sửa vì sợ "chạy làng", anh ấy nói rằng cũng nhờ chạy làng một lần mà quyết chí học cho xong nghề cơ khí mới có được ngày nay, thinh thoảng gặp nhau nhắc lại vẫn còn thấy vui.

 

 

Bạn không có quyền bình luận.