CHUYẾN VƯỢT BIÊN KINH HOÀNG VÀ PHÉP LẠ

Ghe của chúng tôi xuất phát từ Vĩnh Long xin giấy phép đi mua dưa hấu về bán cho chợ Tết, còn năm ngày nữa là đến Tết, cùng lúc đó  hợp đồng chở gạch xuống cho người chủ lò đường và cũng là người  dẫn đường và đưa người từ Vĩnh Long xuống Đại Ngải thuộc tỉnh Cần Thơ.

Ngày 18/01/1982 tôi nghe tin dự báo thời tiết ngày mai biển động cấp 7. Thật sự tôi chưa bao giờ ra biển nên không hình dung được biển động như thế nào, tôi  báo cáo cho anh tài công là ngày mai biển động anh nghĩ sao, anh bảo tùy chú quyết định. Lúc đó anh Ba của tôi là người đồng tổ chức ngày hôm sau mới đến, nên tôi phải tự quyết định đi hay không đi. Thật vô cùng khó khăn cho tôi vì sự sinh tử của gia đình chúng tôi và vài người khách, tổng cộng 24 người, nhưng nếu trở về thì trước sau gì cũng bị đi tù, ai cũng biết là thời điểm đó cộng sản Việt Nam có quyền bắt giữ người nếu họ nghi ngờ người đó dự định vượt biên hay vượt biên không thành công trở về. Hơn nữa mọi thứ đều đã được chuẩn bị sẵn sàng, bao nhiêu vốn liếng đổ hết vào đây nếu trở về thì trắng tay không thể nào làm được lần thứ hai.

Đến trưa ngày 19/1/1982 mọi người đều đến được điểm hẹn, tôi quyết định cuộc hành trình và không bàn thảo với ai về thời tiết, vì tôi rất tự tin vào chiếc ghe bởi chính tay tôi trang bị máy và tôi sẽ bảo trì nó trong cuộc hành trình này.

Gần cửa biển có một rẫy dưa hấu là địa điểm rất lý tưởng cho người lên ghe, chúng tôi chạy ghe ra đó, neo lại và lên bờ gặp chủ rẫy hỏi mua đám dưa hấu. Ông ra giá, tôi giả vờ mặc cả trả giá đôi ba lần và đi quan sát quanh rẫy vài vòng, sau đó tôi đồng ý mua, đặt một số ít tiền cọc và hứa ngày mai sẽ hái dưa và chồng tiền đầy đủ. Nhưng ngày mai đã không bao giờ đến với người chủ rẫy dưa hấu. Đến tận bây giờ trong tâm tôi nghĩ rằng nếu ông bán được cho người khác thì mừng cho ông, nếu như ông giữ lời hứa chờ đợi tôi làm cho ông bị thiệt thòi thì tôi thành thật xin lỗi ông, vì hoàn cảnh bắt buộc mà chúng tôi phải dối ông.

Vậy là yên tâm về bãi đổ khách, đến 10 giờ tối, xuồng ba lá bắt đầu đưa người ra ghe, gần 12 giờ mọi người lên đầy đủ. Tất cả có 16 người lớn và 8 trẻ em, gia đình tôi 4 người, gia đình anh tôi 4 người, gia đình chị tôi 5 người, 2 đứa em tôi, anh tài công 3 người, còn lại 5 người khách và một người bạn thân. Chúng tôi  bắt đầu ráp mui ghe dã chiến mà tôi đã làm sẵn từ trước lên, chỉ cần bắt bù lon vào 15 phút là xong.

Ghe bắt đầu nhổ neo rời bến lúc 0 giờ ngày 20/1/1982, đến 1 giờ ra tới cửa biển trời tối mịt, chỉ thấy những vì sao lấp lánh. Trong ghe mọi người tỏ vẻ  hồi hộp và lo lắng  ngồi dựa vào thành ghe im lặng, chỉ có nghe tiếng động cơ và tiếng sóng vỗ rì rầm làm cho mọi người dễ dàng đi vào giấc ngủ.

boatpeople01


Đến khoảng 10 giờ sáng dông tố bắt đầu nổi lên, những lượn sóng cao ngất ngưởng đẩy ghe trồi lên cao vút rồi lại  hụp xuống sâu thẳm, từng đợt liên tục thật kinh khủng, nhiều người bị say sóng oằn oại, bây giờ tôi mới thấy được thế nào là biển động. Cùng lúc đó từ xa phía bên phải có  một chiếc tàu sắt chạy ngược chiều trở vô bờ, vì hơi xa và chúng tôi không có ống dòm nên không thể biết được đó có phải là tàu của công an biên phòng hay không? Tôi nghĩ rằng chúng nó lo chạy vô bờ tránh bão, nên không có thời gian để bắt chúng tôi, hay chúng nó nghĩ, bão như thế này thì chúng mày cũng làm mồi cho cá mập thôi, tôi đoán mò vậy không biết có đúng không?

Vì sóng to gió lớn làm cho tốc độ của ghe bị ảnh hưởng và lệch hướng, đến khoảng 6 giờ chiều , nhìn thấy bìa rừng từ từ lộ ra, đó là Mũi Cà Mau. Cũng may là biển động nên tất cả ghe, tàu đều chạy vào bờ tránh bão cho nên ghe của chúng tôi đi không bị phát hiện. 

Biết ghe bị lạc hướng anh tài công chấm tọa độ lại và quay đầu ghe hướng về Hòn Khoai, tại đó có một cột đèn hải đăng, lấy điểm đó để ra hải phận quốc tế. Lúc này sóng gió càng lúc càng dữ dội, tội cho chiếc ghe hứng chịu những cơn sóng to ập vào liên tục và rất là vất vả lướt sóng trong màn đêm. Vào khoảng 2 giờ khuya sóng gió giảm dần trả lại sự bình yên cho biển cả, ghe chạy rất êm ái. Tôi đi xuống dưới cabin xem mọi người như thế nào, bỗng dưng anh tài công kêu lên “Chú Năm ơi! Sao bây giờ bẻ lái không ăn”. Tôi bật đèn phòng máy thấy máy vẫn hoạt động bình thường, nhưng cây láp không quay, bộ ly kết (clutch) đã bị hỏng.

Trở lại chiếc ghe và cái máy, cái máy là đầu máy cày Ford 4000, 56 mã lực chúng tôi mua từ Biên Hòa năm 1979, chế biến lại và gắn lên xe Dodge chở khách, chạy được 2 năm, xăng dầu khan hiếm nên xe nằm ụ. Cùng lúc đó có người bán chiếc ghe mới đóng, dài 9,5 mét, ngang 2,5 mét, ghe thiết kế theo dạng đi sông,nhưng mũi ghe hơi cao nên sóng to nước khó tràn vào. Còn phần cái máy từ máy cày chế biến lại và lắp ráp hộp số Toyota 3 số vì vậy mà độ chính xác không hoàn hảo nên bộ ly kết (clutch) hay bị hỏng biết vậy nên chúng tôi mang theo 2 bộ phòng hờ.
Tôi và thằng bạn học cùng lớp chui xuống thay clutch, may mà lúc đó sóng gió đã giảm hẳn ghe không còn bị lắc lư nên việc sửa chữa rất dễ dàng và nhanh chóng.

Cuộc hành trình tiếp tục cho đến 10 giờ sáng 21/01/1982 ghe của chúng tôi đi vào vịnh Thái Lan, xung quanh có rất nhiều tàu đánh cá Thái Lan và ghe của chúng tôi vẫn chạy bình thường. Bỗng dưng có một chiếc tàu đánh cá từ phía sau đuổi theo, thấy vậy chúng tôi giảm tốc độ ghe lại để quan sát xem họ muốn gì, đến khi thấy tàu treo cờ Thái Lan, tôi sang số 3 và tăng tốc độ, chúng theo không kịp nên bắn chỉ thiên vài phát, anh tài công sợ quá bảo tôi dừng lại, cùng lúc đó có tiếng người Việt Nam trên tàu Thái Lan kêu lên “Đừng chạy nữa”.

Tàu của chúng kè lại, 2 tên Thái Lan đu dây nhảy qua ghe của chúng tôi và tấn công anh tài công vài đá vào hông và nói “where gun”. Tôi nghĩ rằng bọn chúng hỏi chúng tôi có đem theo  súng không? Lục soát chung quanh thấy không có súng, chúng kéo dây buộc vào tàu của chúng và bắt mọi người qua tàu của  chúng rồi giữ anh tài công lại ghe và buộc dây dòng theo tàu của chúng.

Chúng nó 2 tên ở lại ghe để tra khảo anh tài công chỉ chỗ giấu vàng và dollar, tra mãi không được chúng hỏi ai là chủ ghe, anh tài công viết xuống giấy tên của anh tôi. Chúng kéo dây cặp ghe lại cho anh tài công lên tàu và bắt anh của tôi trở lại  ghe để chúng tra khảo tiếp tục. Thật tình khi chúng tôi rời Việt Nam không còn một xu dính túi nên chúng nó không tìm được thứ gì. Chúng bắt đầu dùng vũ lực, chúng dùng một viên gạch còn sót lại trong ghe đập vào đầu anh tôi rướm máu, có lẽ chúng nó chỉ hăm dọa thôi chứ chúng đánh thẳng tay thì chắc anh tôi đã bị vỡ đầu.

Sau gần một giờ tra khảo không được gì chúng đưa anh tôi trở lại tàu đánh cá và tháo dây chạy ghe đi để lục soát ghe tìm nơi dấu  vàng và dollar. Từ trên tàu đánh cá không còn thấy bóng dáng  ghe của chúng tôi đâu nữa. Lúc đó tôi rất hoang mang không biết bọn cướp sẽ làm gì chúng tôi. Chúng tôi ngồi gom lại một góc trên tàu, bọn nó đến nắm tay từng người dẫn vào phòng lột quần áo trần trụi và khám xét rất thô tục. Chúng lột cái đồng hồ đeo tay và chiếc nhẫn cưới của tôi và của vợ tôi. Anh rể tôi là người bị khám xét cuối cùng cũng không kiếm được gì, hắn ta nổi quạu thoi vào bụng anh rể tôi mấy cái, đau quá anh liền rút dây lưng thun quần ra có sợi dây chuyền 2 chỉ vàng đưa cho hắn, khi trở ra quần xà lỏn anh giận một cục và tay luôn giữ cái quần sợ bị tuột. Bấy giờ tới màn khám xét lần thứ hai, lần này rất nhanh và đơn giản, cũng bắt vô phòng từng người, lột quần ra đưa cho hắn rồi tự tay hắn xé và kéo dây lưng quần ra không tìm thấy gì hết chúng trả lại, mỗi người đi ra một tay cầm sợi dây lưng quần  còn tay kia thì giữ cái quần cho đừng bị rơi xuống.

Đến khoảng 3 giờ chiều người đầu bếp nấu cơm cho mỗi người một tô cơm canh chua, cá chiên dồn hết vào tô. Tay đầu bếp trông có vẻ  hiền lành, khi mang cơm cho mọi người hắn đưa bằng hai tay, tôi lắc đầu từ chối vì không biết số phận sẽ ra sao nên không muốn ăn uống gì hết vậy mà hắn cố năn nỉ bằng cách ra dấu chỉ vào bụng, nhưng tôi vẫn lắc đầu, hắn vẫn đứng và hai tay bưng tô cơm, vợ tôi thấy vậy bảo, không ăn cũng lấy cho ổng vui để ổng đứng hoài ngại quá, tôi đưa hai tay lấy tô cơm, ông tỏ vẻ rất vui gật đầu và đi vào trong.

Trên tàu có 6 thanh niên trạc tuổi từ 20 đến 30 một anh trung niên, một em bé trai khoảng 12 tuổi và 4 cô gái độ tuổi 20 là người Việt Nam. Những người này cũng đi vượt biên trên chiếc ghe chở 200 người hơn một tháng trước chẳng may máy bị hỏng, tàu đánh cá này thấy vậy cặp vô và số người này trèo lên được tàu, vì  đông người quá nên thuyền trưởng không cho người lên nữa và bảo chủ ghe neo ghe lại chờ họ đi kêu thêm tàu đến cứu. Khi tàu đánh cá này quay lại thì ghe vượt biên kia trôi đâu mất cho nên những người Việt này ở mãi trên tàu đánh cá Thái Lan hơn một tháng qua.

Sau khi cơm nước xong, họ cuốn lưới lên không đánh cá nữa và chiếc ghe của chúng tôi dần hiện ra và hai tên Thái Lan trở về tàu và kéo dây dòng ghe của chúng tôi theo sau. Em của thuyền trưởng biết chút ít tiếng Anh, hắn nói với chúng tôi và nhóm người kia là 10 giờ tối nay hắn  sẽ  cho chúng tôi đi. Tôi hỏi bây giờ chúng tôi đi được không? Hắn lắc đầu và bỏ đi. Lúc này  không còn lưới cá nữa cho nên tàu chạy rất nhanh.

Đúng 10 giờ tối tàu ngừng lại và kêu mọi người chuẩn bị xuống ghe. Thật khủng khiếp vì khi chúng tôi lên tàu của chúng là ban ngày, nếu lỡ rớt xuống biển còn nhìn thấy và có thể cứu được, còn lúc trở về lại ghe là ban đêm, tàu đánh cá của chúng to và cao còn ghe của chúng tôi thì nhỏ xíu thấp lè tè phía dưới, sóng gió đẩy ghe chạm vào thành tàu kêu rầm rầm. Hai người đứng trên thành tàu nắm hai tay của từng người thả xuống, hai người đứng trên mui ghe phía dưới ôm hai chân rồi từ từ thả xuống ghe, rất nguy hiểm lỡ vuột tay rơi xuống biển thì sẽ mất mạng vì ban đêm thì làm sao mà cứu được. Cũng nhờ trời thương che chở, nên  cuộc chuyển người  kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ được an toàn. Bây giờ ghe của chúng tôi có thêm 6 người thanh niên quá giang, còn 4 cô gái kia thấy ghe nhỏ quá sợ không dám xuống đi, và  anh trung niên vì thằng con bị cảm nên cha con anh cũng ở lại tàu đánh cá Thái Lan, không biết số phận của họ giờ ra sao, hy vọng rằng họ cũng được định cư an toàn ở một quốc gia nào đó.

Trước khi chia tay thuyền trưởng thả xuống cho ghe chúng tôi 60 lit nước uống, 60 lit dầu (diesel) và một rổ nhỏ mực, cá. Họ hướng dẫn chúng tôi đi hướng 120° sẽ tới đảo Pulau Bidong.
Ghe đã bị lục soát tung lên, quần áo chúng nó bỏ ngổn ngang, thùng nhớt dự phòng đã bị chúng đổ hết xuống ghe vì nghi có dấu vàng trong đó. Nước vô ghe ngập mắt cá vì trong lúc kéo ghe không chạy máy, nước chạy ngược theo cây láp vào ghe, vừa mở valve bơm nước quần áo chạy lọt vào làm hỏng luôn cái bơm nước, phải tát nước bằng thau qua cửa sổ.

pirate

Đến trưa ngày 22/1/1982 nhìn từ xa phía bên trái có một chiếc tàu kéo theo cái gì màu đen ở phía sau, càng lúc nó càng tiến gần đến ghe của chúng tôi và tôi đã nhận ra chúng kéo theo một chiếc ghe. Lúc đó chúng nó neo ghe lại và đuổi theo kịp chúng tôi, chận đầu ghe của chúng tôi rồi chạy quanh 2 vòng, tấp vào 4 tên cướp lực lưỡng, 3 tên cầm mã tấu còn tên kia cầm lưỡi liềm nhảy qua ghe của chúng tôi chặt phá mui chui vào. Chúng la hét  áp đảo tinh thần mọi người, vung mã tấu đe dọa mọi người run rẩy co rúm. Ngồi trong ca bin tôi chứng kiến cảnh tượng hãi hùng một tên cướp cầm lưỡi liềm bổ nhẹ mũi nhọn lên trán một thanh niên máu tuôn ra, hoảng quá thanh niên ngồi bên cạnh kêu lên ai còn gì đưa hết cho tụi nó để thôi nó giết chết. Chẳng ai  có gì để  đưa ra, anh ta đề nghị cởi đồ đưa cho chúng nó, mọi người làm theo cởi đồ đưa cho bọn cướp, chúng nó trả lại. Chúng nó lục soát khắp nơi, ra phía sau chúng lấy cái chân vịt dự phòng làm bằng thau giống như vàng chúng mừng quá cười hô hố. Một tên trong ca bin mở thùng đồ nghề đổ ra không thấy có vàng, hắn hốt đồ nghề bỏ vào thùng rồi xách đi luôn về tàu cùng ba tên kia. Sau đó chúng nó thả xuống ghe của chúng tôi 20 người đàn ông Việt Nam rồi neo ghe của chúng tôi lại, chúng nó quay lại chiếc ghe bên kia cướp tiếp tục. Bây giờ ghe của chúng tôi đầy người, 20 người bên kia phải đứng chứ không còn chỗ để ngồi, hỏi những người này mới biết ghe bên kia cũng là người vượt biên và cũng đang bị cướp. Khoảng 5 giờ chiều có một chiếc máy bay bay thấp và ngang qua, bọn cướp hoảng sợ bỏ chạy, nhìn thấy ghe vượt biên bên kia chạy về hướng ghe của chúng tôi. Trong khi chờ đợi tôi kiểm tra máy, thăm nhớt chêm thêm dầu, khi kéo cây ty thăm nhớt lên thấy không có dính nhớt, nghĩ rằng mình đẩy xuống chưa tới nên thử lại hai lần nữa cũng không có nhớt, tôi bắt đầu lo lắng, nhưng cũng còn chút hy vọng mình sẽ xin được vài lít nhớt từ ghe bên kia.

Sau khi trả người lại ghe bên kia xong rồi, tôi trình bày hoàn cảnh máy hết nhớt và xin vài lít, ông chủ ghe bảo nhớt không có dư, tôi đề nghị chờ ghe tôi đi theo sau, nếu máy bị hỏng ông có thể cho người sang ghe của ông được không? Vì ghe của ông lớn hơn ghe của chúng tôi rất nhiều và đi có 70 người nên ghe còn nhiều chỗ.

Thật vô cùng thất vọng khi ông ấy trả lời rằng “Tôi đi Singapore, bây giờ mạnh ai nấy đi” rồi quay đầu ghe bỏ đi. Trong lúc tuyệt vọng, tôi ngồi suy nghĩ bây giờ phải làm cách nào đây?

boatpeople02

Thật may mắn một bịch mỡ bò khoảng 1 kilo nằm trong khoang ghe mà tôi đã bỏ quên trong lúc đặt máy lên ghe hơn một năm trước đã hiện ra ngay tầm mắt, vì bản năng của sự sinh tồn, đột nhiên tôi nghĩ ra lấy mỡ bò trộn lẫn với dầu chạy máy (diesel) tạm thời thay thế nhớt để đổ vào máy. Bọn cướp trước trong lúc lấy ghe chạy đi và lục soát không biết chúng nó làm thế nào mà cháy cái máy sạc điện (dynamo) từ lúc chúng nó trả lại ghe cho nên 2 cái  bình điện không còn đủ sức để đề cho máy nổ, còn một chút hy vọng mong manh là nối 2 cái bình điện lại theo phương pháp nối tiếp để tăng dòng điện từ 12 volts thành 24 volts, nhưng than ôi thùng đồ nghề đã bị bọn cướp lấy đi mất rồi. Lúc đó tôi thật sự xuống tinh thần và tuyệt vọng nhìn xung quanh xem coi có con dao hay vật gì cứng để nạy dây điện câu bình ra để câu lại. May mắn quá tên cướp khi nãy đã đổ đồ nghề ra tìm vàng và nhặt lại còn bỏ sót một cây kềm bấm, một cây kềm rất đa dụng và cũng là vật cứu tinh. Chúng tôi dùng kềm bấm tháo dây điện ra câu lại và dùng cây kềm làm cầu nối cho  hai cọc còn lại như vậy là chúng tôi có được dòng điện 24 volts, nhưng chỉ đề được một cái mà thôi cho nên tôi bảo thằng bạn giữ cho thật chắc, tôi vừa run vừa hồi hộp bật công tắc, sau vài giây máy nổ lên, tôi thở phào nhẹ nhõm.

Dồn thanh niên ra phía trước cho ghe cân bằng khi chạy tốc độ cao, bằng mọi cách phải rời khỏi khu vực nguy hiểm này trong đêm nay tôi đánh liều mở hết tốc lực chạy đến khoảng 6 giờ sáng ngày 23/1/1982 nhìn thấy đất liền, những bải biển cát trắng, có ngư dân phơi cá tôi đã mừng thầm chúng tôi đã tới nơi rồi, nhưng không biết đây là nơi nào. Một lúc sau gặp  một chiếc canoe đi câu cá, chúng tôi dừng lại hỏi thăm anh ta đây là nước nào và giơ cái bản đồ lên hỏi đảo Bidong ở đâu. Anh ta xổ một tràng tiếng địa phương chúng tôi chẳng hiểu, thấy vậy anh cặp canoe lại và leo lên ghe của chúng tôi chỉ tay về phía trước có ba hòn đảo và dùng ngón tay chỉ vào bản đồ đảo Pulau Bidong lớn nhất ở chính giữa hai đảo nhỏ. Anh rất lịch sự móc trong túi ra gói thuốc lá đầu lọc mời mọi người, xong rồi anh ta ra dấu xin cái mỏ neo và cái hải bàn. Chúng tôi đồng ý cho anh cái mỏ neo, còn lại cái hải bàn ra dấu vô tới Bidong rồi cho, anh lắc đầu và đưa hai tay ra hiệu vô đó anh sẽ bị còng.

PulauBidong

Biết chắc là đảo Pulau Bidong ở phía trước  mọi người tỏ vẻ vui mừng, chúng tôi tháo mui ghe dã chiến ra, mọi người đã từng mơ ước được hít thở không khí của tự do thì bây giờ đã  thành hiện thực. Vì quá vui mừng cho nên tôi quên mất là tốc độ của  ghe quá nhanh, sợ ghe chạm mạnh làm hư cầu tàu nên tôi vội vô số de và lên hết ga thì máy hỏng luôn cũng là lúc ghe vừa chạm nhẹ vào cầu tàu khoảng 8 giờ ngày 23/1/1982.

Moi người được nhân viên cao ủy tỵ nạn và lính Malaysia đưa lên đảo an toàn và  mấy cô nhân viên phòng xã hội nấu mì gói cho mỗi người một chén, ăn sao mà nó ngon không thể tả được vì nhịn đói đã 2 ngày qua.

Ghe của chúng tôi được đánh số thứ tự  là PB 474, 4 tuần sau được phái đoàn của Úc Châu phỏng vấn và chấp nhận cho định cư  tại Úc Châu và gia đình tôi đến Sydney ngày 5/5/1982.
Thời gian qua nhanh quá, thoáng qua đã ba mươi chín năm, nhưng chuyến vượt biên năm nào vẫn in sâu trong ký ức và tôi tự hỏi “Ghe của chúng tôi đã đến được đảo Bidong do may mắn hay do phép nhiệm mầu ơn trên cứu chúng tôi?” Bây giờ nghĩ lại sao hồi đó mình quá liều lĩnh quyết định đi trong giông bão, tuy nhiên cũng nhờ vậy mà tránh được bọn công an biên phòng rình rập và trực chờ bắt ghe, tàu vượt biên để vơ vét vàng bạc.

Tàu đánh cá Thái Lan cướp lần thứ nhất cũng còn có chút nhân đạo, tại sao chúng không thả cho chúng tôi đi ban ngày mà kéo ghe của chúng tôi đi thật xa và thả cho chúng tôi đi vào lúc nửa đêm? Theo sự suy đoán của tôi, nếu thả chúng tôi ngay chiều hôm 22/1/1982 thì ghe của chúng tôi còn nằm trong vịnh Thái Lan và có nguy cơ bị cướp thêm vài lần nữa cho nên chúng kéo ghe của chúng tôi ra khỏi khu vực nguy hiểm rồi cho chúng tôi đi vào ban đêm để không tàu nào nhìn thấy. Đó là sự suy đoán của tôi không biết có đúng không? Chỉ có trời mới biết được.

Bị cướp lần thứ hai mới thật sự là tai họa vì hình thức bên ngoài là tàu đánh cá Thái Lan nhưng lại là tàu cướp chuyên nghiệp, đang cướp một ghe vượt biên bên kia. Vì quá tham lam nên chúng neo ghe vượt biên đó lại để đuổi theo ghe của chúng tôi để cướp thêm. Nhưng tôi nghĩ đây cũng là phước lớn cho tất cả những người trên ghe của chúng tôi, nếu như không bị cướp chặn  lại thì tôi không biết máy cạn nhớt và tiếp tục chạy  chừng mười đến mười lăm phút nữa thì máy sẽ bị lột dên vì hết nhớt, giữa biển khơi thì không có cách nào sửa chữa được chỉ còn nước thả trôi theo gió hoặc là định cư vĩnh viễn dưới lòng đại dương.

Tôi không tin dị đoan hay tin bói toán gì cả, nhưng về tâm linh mình cũng không thể giải thích được, đôi khi gặp hoạn nạn tưởng chừng như tuyệt vọng thì cái phước lại đến. Có hai sự kiện lạ lùng xảy ra mà tôi luôn suy nghĩ. Thứ nhất là túi mỡ bò tôi đã vứt nó trong khoang ghe hơn một năm, ngược xuôi Cà Mau mà không thấy nó, nếu thấy thì tôi đã đem lên khỏi ghe rồi thì còn đâu nữa để tạm thời thay thế nhớt. Sự kiện thứ hai tại sao tên cướp kia hốt tất cả đồ nghề mà lại bỏ sót cây kềm bấm, vả lại  cây kềm bấm rất đa dụng nếu hắn ta thấy sẽ không thể bỏ sót.

Có lẽ số phận của mỗi người đã được an bài bởi Thượng đế hay là phước đức của ông bà để lại? Khi còn ở Việt Nam bà ngoại và má tôi luôn nhắc nhở chúng tôi rằng "Sống ở đời phải biết tạo phước để về sau cho con cháu nhờ".
Sydney , 20/9/2021
Huỳnh Van Huyện

Bạn không có quyền bình luận.