Vài Kỷ Niệm Với Trường Kỹ Thuật Việt Nam - Phần 3 Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật

Giới thiệu tác giả

HuynhAiTongÔng Huỳnh Ái Tông, hiệu trưởng Trung Học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ Sàigòn trước 30/04/1975. Sau thời gian cải tạo và trở về làm việc cho Sở Công Nghiệp Thành phố, năm 1983 ông được trở lại trường cũ, giữ một chức vụ trong Ban Giám Hiệu, trường có tên mới là Trung Học Kỹ Thuật Công Nghiệp Thành Phố HCM. Ông là một trong những cựu giáo chức còn giữ nhiều hình ảnh, tài liệu và rất gắn bó với ngành học Kỹ Thuật Miền Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm Hội Ái Hữu Liên Trường Kỹ Thuật Việt Nam Úc Châu thầy Tông gửi đăng bài viết “Vài Kỷ Niệm với Trường Kỹ Thuật Việt Nam”. 

Xin trân trọng giới thiệu cùng quý Thầy Cô và các cựu học sinh Kỹ Thuật.

Nguyễn Phấn, cựu giáo chức TH. Kỹ Thuật NTT, Sàigòn

 

Vài Kỷ Niệm Với Trường Kỹ Thuật Việt Nam

Phần 3: Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật

Huỳnh Ái Tông

Năm 1964 tôi vào học Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ thuật, khi đó khóa 1 gồm những lớp đào tạo 2 năm đã ra trường. Nó là tiền thân của Trung tâm Giáo dục Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ Thủ Đức (1972), trường Đại học Giáo dục Thủ Đức (1974), trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thủ Đức (1976), ngày nay là trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM (2000).

HuyHieuCaoDangSuPhamKT


Tưởng cũng nên nói thêm một chút về tổ chức giáo dục thời đó, Viện Đại học Sàigòn quản trị các Trường Đại học Khoa Học, Đại học Y khoa, Dược Khoa, Luật khoa, Kiến trúc, còn các trường chuyên môn như Trường Cao đẳng Công Chánh, Cao đẳng Điện, Kỹ sư Công nghệ, Hàng hải, Hóa học thuộc Trung tâm Kỹ thuật Phú Thọ, nên Nha kỹ thuật học vụ mở ra Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật, cũng là cấp Đại học nhưng do Nha quản lý, nó không thuộc Viện Đại học Sàigòn cũng như Trung tâm Kỹ thuật Phú Thọ, mặc dù nó cùng nằm trong cùng khu vực nầy, có đường đi thông thương, không hề có tường rào ngăn cách.

TruongBachKhoaTrungCapPhuThoTrường Bách Khoa Trung Cấp Phú Thọ


Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ thuật được thành lập ngày 5-10-1962 theo quyết định số 1082/GD của Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, dưới thời ông Nguyễn Được làm Giám Đốc Nha Kỹ thuật Học vụ. Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật chỉ dùng cơ sở Trường Bách Khoa Trung Cấp để giảng dạy, không thuộc Trường Bách Khoa Trung Cấp Phú Thọ.

Ông Nguyễn Được cũng như ông Trần Lưu Cung về nước do chánh sách ưu đãi nhân tài dưới thời Ngô Đình Diệm. Năm 1964, Nguyễn Được làm Bộ Trưởng Giáo Dục trong nội các Nguyễn Ngọc Thơ, mấy tháng sau nội các đổ, ông Nguyễn Được không còn trong ngành giáo dục, sau 1975 được vợ cũ người Pháp bảo lãnh gia đình ông sang Pháp, ông Trần Lưu Cung từ năm 1964 vừa giữ chức Giám Đốc Nha Kỹ thuật, kiêm Hiệu trưởng Trường Bách khoa Trung Cấp Phú Thọ, kiêm Giám Đốc Ban Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật, đầu thập niên 1970, ông làm Thứ trưởng Giáo dục, nội các đổ ông đi làm chuyên viên Unesco tại Côte d’Ivoir trước 1975, nay định cư ở Virginia.

OngTranLuuCungÔng Trần Lưu Cung


Ban Cao đẳng Sư Phạm Kỹ thuật không có trường sở, nên sử dụng cơ sở Trường Bách Khoa Trung Cấp Phú Thọ để giảng dạy các Ban Khoa học áp dụng, Kỹ nghệ họa, Cơ khí Ô-tô, Kỹ nghệ Gỗ, Kỹ nghệ Sắt, Máy Dụng cụ, Điện, Nữ công Gia chánh, để đào tạo Giáo sư Trung học Đệ nhứt cấp, học trình 2 năm chỉ số lương 380 và Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp học trình 4 năm, chỉ số lương 480.

Trường nầy, các giáo sư gốc là giáo sư Cao Thắng hoặc trước đó được tu nghiệp ở Hoa kỳ, tôi được học lại với các giáo sư Trần Thế Can, Phạm Văn Rao, Vũ Mộng Hà, họ đã dạy tôi lớp Đệ nhất ở Cao Thắng niên học 1963-1964.

Năm 1964, Ban Kỹ nghệ họa tuyển vào 10 thí sinh lấy thêm 2 dự khuyết để đào tạo ra Giáo sư Trung học Kỹ Thuật Đệ nhứt cấp, nhưng cuối cùng chỉ có 6 người theo học, trong đó có tôi là thí sinh dự khuyết thứ 2.

Sáu chúng tôi là Nguyễn Văn Bài, Lương Văn Nhơn, Trịnh Như Tích, Nguyễn Đức Lộc, Phạm Văn Đước và tôi, năm 1966 ra trường, có thể không có nhu cầu, nên Lộc và Đước được giữ lại đào tạo thêm 2 năm nữa để ra Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp.

Anh Nguyễn Văn Bài chọn nhiệm sở Trường Kỹ thuật An Giang, anh làm Giám học Trường nầy một thời gian rồi chuyển về dạy ở KT Cao Thắng, anh Lương Văn Nhơn chọn nhiệm sở Trường KT Vĩnh Long, năm 1970, anh làm Hiệu trưởng Trường KT Kiến Hòa, anh Trịnh Như Tích chọn nhiệm sở Trường KT Đà Nẵng, sau chuyển về Gia Định, năm 1973, anh được chỉ định Xử lý thường vụ Hiệu trưởng trường nầy cho đến ngày miền Nam bị mất, anh Nguyễn Đức Lộc ra trường được phân bổ về Trường KT Việt Đức ở Thủ Đức, anh Phạm Văn Đước được phân bổ về Trường KT Bà Rịa sau đó làm Hiệu trưởng Trường KT Tây Ninh. Hai anh Nguyễn Văn Bài và Phạm Văn Đước đều đã mất cách nay vài năm.

Khi ông Trần Lưu Cung làm Thứ trưởng Bộ Giáo Dục, chức vụ của ông được ông Lý Kim Chân Phó Giám Đốc lên làm Giám Đốc Nha Kỹ thuật Học vụ, trước đó ông Đỗ Thành Long Trưởng xưởng Máy Dụng Cụ Trường Bách Khoa Trung Cấp lên làm Hiệu Trưởng trường nầy từ năm 1966 và ông Nguyễn Thụy Ái làm Giám Đốc Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ thuật từ năm 1968-1970.

Trong khu Trung Tâm Kỹ thuật Phú Thọ, chỉ có Trường Bách Khoa Trung Cấp được xây cất mặt tiền ngó ra cổng trên đường Nguyễn Văn Thoại nay là Lý Thường Kiệt, nhưng cổng chính đi vào của Trường Bách Khoa Trung Cấp nằm trên đường Tô Hiến Thành.

Từ năm 1966, tôi tốt nghiệp ra Trường, cho đến nay chưa hề có dịp quay lại thăm trường cũ, Trường Bách Khoa Trung Cấp, mặc dù sau đó có những bạn cùng học ra Trường dạy lại tại đây. Chắc có một ngày, tôi sẽ dành thì giờ quay lại thăm trường xưa cảnh cũ. Nó không phải là trường học đầu đời, chôn nhiều kỷ niệm ấu thơ, nhưng nó là trường học sau cùng trước khi bước vào lăn lộn trường đời, nơi đó cũng đánh dấu một thời đấu tranh của sinh viên vào những năm 1964-1966. Có thể sự tranh đấu đó làm xáo trộn xã hội, chánh trị dẫn đến nước mất nhà tan sau nầy, nhưng ít nhất nó cho người ta hưởng được sự Tự do, nói theo thời thượng là trải nghiệm Tự do. Tự do đáng quý hơn bao giờ hết.

Trường cũ nay là Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật Tp. HCM, năm 1970, hằng tuần tôi đã ngủ trực đêm ở đó vài tháng, năm 1980 tôi cũng dạy ở đó vài tháng, mỗi tuần 1 ngày sáng đi chiều về xe Trường đưa rước, sau nầy có vài lần tôi trở lại với Nguyễn Đức Lộc, Nguyễn Văn Quyền, Hồ Ngọc Điển, có lần đi với vợ chồng Nguyễn Hữu Nhân. Ở đó có một cái cây xưa kia đã có huyền thoại về nó, nay người ta cất một cái miếu nhỏ, đó là cái cây độc nhất còn lại sau khi san bằng nghĩa địa, để xây cất ngôi Trường nầy.

ChuaMotCot

 

Tôi có kỷ niệm khó quên với giáo sư Pháp Văn Nguyễn Tấn Lợi, bị ma ám chạy khỏi phòng Kỹ nghệ họa vào lúc nửa đêm, trong khi 72 bóng đèn néon thắp sáng trưng, hơn nữa nó ghi lại một thời gian nghèo khó, trong túi chỉ đủ tiền trả cho hai anh em, mỗi người một vài chai bia con cọp ở quán Chiều Tím, trước cổng trường năm xưa.

DaiHocSuPhamKyThuat

 

Còn Tiếp

Phần 4: Trường Trung Học Kỹ Thuật Y Ut Banmêthuột

 

Bình luận  

 
-1 #4 Truong Ngoc Diep Thứ 3-11-18 19:56
Vo khac Hieu goc Qui Nhon ?,hoc BKTC Phu Tho o tro nha ong Gon trong cu xa nhan vien truong ? cho toi goi loi tham em va gia dinh, em hien dinh cu o dau vay? mong lien lac tiep voi cac em goc QN qua email :

 
 
0 #3 VO KHAC HIEU Thứ 4-11-18 22:35
cảm ơn thầy đã cho tui em sống lại với những kỉ niệm không bao giờ quên
VÕ KHẮC HIẾU BÁN CHUYÊN NGHIỆP CKO CAO THẮNG KHÓA 1966-1969 , BẠN CKO BKTC PHÚ THỌ KHÓA 1969-1972
KHÓA 2 SPKT BAB CKO CÒN CÓ THẤY HUYNH THIÊN HIỆN CÒN SỐNG Ở MELBOURNE

CHÚC SỨC KHỎE THẦY
 
 
+1 #2 Truong Ngoc Diep Chủ nhật-12-16 23:40
Trích dẫn Truong Ngoc Diep:
toi thuoc Ban Cao Dang Su Pham Ky Thuat khoa 1967-1969,khoa dau tien cho cac hoc sinh co Tu Tai Toan vao hoc,toi hoc ban Dien Ky Nghe,ra truong ve truong ky thuat Qui Nhon.
voi Le viet Chien.Cac ban cung khoa:Thu ve KT Nha Trang,An KT long Xuyen,Hung va Ngoc KT Quang Ngai,Hung KT Da Nang,Manh va Minh KT Hue.
 
 
+1 #1 Truong Ngoc Diep Thứ 5-11-16 22:57
toi thuoc Ban Cao Dang Su Pham Ky Thuat khoa 1997-1999,khoa dau tien cho cac hoc sinh co Tu Tai Toan vao hoc,toi hoc ban Dien Ky Nghe,ra truong ve truong ky thuat Qui Nhon.
 

Bạn không có quyền bình luận.