Vài Kỷ Niệm Với Trường Kỹ Thuật Việt Nam - Phần 2 Trường Trung Học Kỹ Thuật Cao Thắng

Giới thiệu tác giả

HuynhAiTongÔng Huỳnh Ái Tông, hiệu trưởng Trung Học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ Sàigòn trước 30/04/1975. Sau thời gian cải tạo và trở về làm việc cho Sở Công Nghiệp Thành phố, năm 1983 ông được trở lại trường cũ, giữ một chức vụ trong Ban Giám Hiệu, trường có tên mới là Trung Học Kỹ Thuật Công Nghiệp Thành Phố HCM. Ông là một trong những cựu giáo chức còn giữ nhiều hình ảnh, tài liệu và rất gắn bó với ngành học Kỹ Thuật Miền Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm Hội Ái Hữu Liên Trường Kỹ Thuật Việt Nam Úc Châu thầy Tông gửi đăng bài viết “Vài Kỷ Niệm với Trường Kỹ Thuật Việt Nam”. 

Xin trân trọng giới thiệu cùng quý Thầy Cô và các cựu học sinh Kỹ Thuật.

Nguyễn Phấn, cựu giáo chức TH. Kỹ Thuật NTT, Sàigòn

 

Vài Kỷ Niệm Với Trường Kỹ Thuật Việt Nam

Phần 2:  Trường Trung Học Kỹ Thuật Cao Thắng

Huỳnh Ái Tông

Về Trường Kỹ Thuật Cao Thắng vốn là chi nhánh của Trường Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ, tưởng cũng cần đề cập sơ qua về nguồn gốc của hai trường nầy.

TuongOngCaoThangTượng ông Cao Thắng

 

Trường Trung Học Kỹ thuật Cao Thắng được thành lập ngày 20-02-1906 với tên gọi ban đầu là ÉCOLE DES MÉCHANICIENS ASIATIQUES, thường được gọi là Trường Cơ Khí Á Châu, là chi nhánh của trường dạy nghề Cour d’Apprentissage, do thực dân Pháp lập ra ở Nam bộ năm 1898, để đào tạo thợ sửa chữa tàu thuyền của hải quân Pháp. 

Cour d’Apprentissage, sau nầy mang tên là Trung Học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ, tọa lạc tại 25 bis Hồng Thập Tự Quận Nhất Sàigòn. 

Trường Cao Thắng tọa lạc tại số 65 đường Huỳnh Thúc Kháng - Quận 1 (nay là Phường Bến Nghé - Quận 1 – Tp. HCM). Trước thập niên 1950, hai trường Kỹ thuật Cao Thắng và Nguyễn Trường Tộ do một hiệu trưởng, sĩ quan Hải quân Pháp đảm nhiệm điều hành cả 2 trường.

LauDongHoLầu Đồng hồ nay là Phòng Truyền Thống Trường Kỹ Thuật Cao Thắng

 

Niên học 1955-1956 và 1956-1957, Trường có thành lập một chi nhánh, gồm có 5 lớp Đệ Thất, đặt trong khuôn viên Nha Kỹ Thuật Và Mỹ Thuật Học Vụ số 48 Phan Đình Phùng. Chi nhánh mang tên là Trường Kỹ Thuật Phan Đình Phùng, địa chỉ số 2 đường Phạm Đăng Hưng, Quận 1, Sàigòn. Chi nhánh Trường Kỹ Thuật Phan Đình Phùng chỉ mở ra có 2 năm đó mà thôi. Trường Kỹ sư Công nghệ khóa 1 niên học đầu tiên 1956-1957 cũng học tại đây, năm sau Trường mới xây cất xong và dời về Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ. Nơi đây cũng là Trường Quốc Gia Âm nhạc do ông Nguyễn Phụng làm Giám Đốc, trường nầy chỉ dạy vào buổi tối. Sau nầy mới dời về trụ sở trên đường Nguyễn Du như hiện nay.

Trước năm 1975, Trung Học Kỹ Thuật Cao Thắng là Trường Kỹ thuật đệ nhị cấp, đào tạo học sinh tốt nghiệp Tú Tài II Kỹ thuật để thi vào các trường Cao Đẳng thuộc Đại Học Bách Khoa Phú Thọ. 

Tôi nhập học Trường nầy năm 1956 tại Trung học Kỹ Thuật Phan Đình Phùng, ban ngày có 5 lớp Đệ thất của chúng tôi và 1 lớp Kỹ sư Công nghệ đã nói trên, tại cơ sở nầy chúng tôi học những môn lý thuyết, còn thực hành đến Trường Cao Thắng học Xưởng và Kỹ nghệ họa, mỗi tuần một lần buổi chiều hết giờ học ra về, ghé ngang qua Tòa Đô Chánh, lên lầu dự xổ số Kiến Thiết Quốc Gia, để nghe Bạch Yến, Ban Thăng Long hát và xem kịch của Vũ Huân Vũ Huyến.

Vì là trường chung, nên lớp học nào ở Trường Kỹ thuật Phan Đình Phùng cũng có một cây đàn Piano, thầy dạy nhạc giáo sư Nguyễn Văn Khánh chơi đàn, học sinh chúng tôi hát, giờ học Âm nhạc thật là sinh động.

Về sau Trường Quốc Gia Thương Mại, Trường Nữ Công Gia Chánh đều được mở ra dạy đầu tiên tại đây, sau khi Trường Bách Khoa Trung Cấp xây xong, hai Trường nầy mới dời vào Trường Bách Khoa Trung Cấp. Còn Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật được thành lập và mở khóa đầu tiên năm 1962 tại cơ sở Trường Bách Khoa Trung Cấp, cho đến năm 1972 được dời lên Thủ Đức trở thành Trường Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật Thủ Đức, sau 10 năm ăn nhờ ở đậu mới có được cơ sở khang trang.

Năm mới vào Đệ thất, chúng tôi học Việt Văn với Bác sĩ Kim, ông có phòng mạch tư ở Quận 4, dạy giờ cho lớp chúng tôi, ngày đó ông đã giảng thơ của Thanh Tâm Tuyền, ngày nay tôi chỉ còn nhớ chắp vá, chắc không đúng với nguyên bản của nhà thơ:

Mưa ngủ

Tôi đứng nhìn mưa bên sông, mưa nửa dòng nước. Ôi nếu được ngủ dưới mái tranh, mùi đất bốc mưa mới đầu mùa ấm phổi hơn một hơi thuốc lá… 

Mưa bên kia sông, mưa nửa giòng nước…. Hồn nhiên tôi trở thành thi sĩ ca dao nhẹ những nhát cuốc đầu xới lần áo mỏng ruộng đồng … 

Nhờ bác sĩ Kim giảng giải, tôi hiểu được phần nào ý thơ, tâm hồn thi sĩ.

Năm Đệ Ngũ, tôi học Pháp văn với giáo sư Trần Văn Khuê, ông có trích một đoạn văn Pháp để giảng dạy. Đại ý có gánh hát rong, đi hát ở thôn quê, đến chỗ kia anh hề nói một câu làm phật ý khán giả, khán giả bắt anh hề phải xin lỗi, anh hề nhất định không vì anh không có lỗi, ông bầu cũng như những người khác trong đoàn yêu cầu anh vì chén cơm của cả đoàn hát, nên xin lỗi khán giả. 

Đến lúc đó, anh hề bèn bước ra sân khấu, tuyên bố: - Tôi xin lỗi quý vị là tôi có lỗi! Khán giả rất hài lòng, vỗ tay tán thưởng. Khi anh hề lui vào hậu trường, bạn bè hỏi anh ta tại sao trước tiên anh ta khăng khăng không xin lỗi, nhưng cuối cùng lại xin lỗi. Anh ta giải thích là anh ta đâu có xin lỗi ai đâu, anh ta vẫn khẳng định nếu anh ta xin lỗi là anh ta có lỗi.

Nhiều giáo sư ở Trường Kỹ Thuật Cao Thắng đi làm Hiệu trưởng các trường khác như các ông Giám học Lý Kim Chân làm Hiệu trưởng Trung học Kỹ thuật Vĩnh Long, ông Tổng Giám thị Lê Văn Chịa Hiệu trưởng Trung học Kỹ Thuật An Giang tiếp theo là ông Trần Văn Nên, ông Đống Văn Quan làm Hiệu trưởng Trung học Kỹ thuật Y-ÚT Banmêthuột, ông Nguyễn Hữu Nho Hiệu Trưởng Trung học Kỹ thuật Quy Nhơn, giáo sư Quang dạy Gò – Hàn làm Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật Cần Thơ, ông Phạm Văn Tài làm Hiệu trưởng Trung học Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ,… có lẽ vì Trường nầy là trường lớn, lâu đời, có nhiều giáo sư và nhất là ở gần Nha Kỹ thuật Học vụ.

Trường Cao Thắng cách chợ Sàigòn không xa, chỉ đi bộ chừng 5 phút, nếu những con đường Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Hàm Nghi dập dìu xe cộ thì đường Huỳnh Thúc Kháng vắng vẻ, cũng rất ít người qua lại, những năm đầu thập niên 1960, có một cô Xẩm chừng 16, 17 tuổi buổi trưa thường hay đi ngang qua trường về hướng chợ Bến Thành, cô luôn mặc jupe, dáng vẻ học sinh Trường Marie Curie hay là Trường Bác Ái, cô đi trên vỉa hè bên kia đường, phía Bộ Công Chánh. Cô ta không phải là mỹ nhân, nhưng cũng là một đóa hồng đang độ thanh xuân thùy mị, dễ thương. Học sinh Cao Thắng thuở đó chỉ nhìn, không có anh nào chọc ghẹo chi cô ta, do đó cô ta thường xuyên đi ngang qua, về sau tôi mới biết cô ta ra thay mẹ trông nom cửa hàng vải trong chợ Bến Thành. Thỉnh thoảng nhớ lại, tôi tự hỏi cô ta giờ ra sao? Trôi giạt đến góc biển chân trời nào, sau khi miền Nam đã mất.

Vị trí Cao Thắng là trung tâm Hòn ngọc viễn đông, từ khi chúng tôi lên Đệ nhị cấp, học Kỹ nghệ họa với Kỹ sư Công nghệ Nguyễn Văn Quang, ông cho biết: 

"Khi tôi giảng bài, các anh phải có mặt để nghe bài giảng, 15 phút trước khi ra về tôi điểm danh, khoảng giữa các anh vẽ Bài Tập tôi không kiểm soát, nhưng tuần sau đầu giờ phải nộp bài."

Do đó khoảng thời gian vẽ Bài Tập, chúng tôi đi “bát phố” để “rửa mắt” trên đường Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Huệ hay Tự Do. 

rapcasinoRạp chiếu bóng Casino Sàigòn

 

Khu đó tập trung nhiều rạp chớp bóng thường trực có, bán vé theo xuất có, nào rạp Hồng Bàng trên đường Pasteur, ngay bên cạnh trường, xa hơn chút có rạp Nam Việt trên đường Tôn Thất Đạm, rạp Vĩnh Lợi trên Đại lộ Lê Lợi cạnh bệnh viện Sàigòn, Lê Lợi trên đường Lê Thánh Tôn gần chợ Bến Thành, Casino Sàigòn trên đường Pasteur, rạp Rex trên đường Nguyễn Huệ, rạp Eden trong Passages Eden, rạp Majectic gần khách sạn cùng tên và rạp Catinat, cả ba cùng  trên đường Tự Do. Rex hay Eden thuộc hạng sang trọng cũng như Đại Nam trên đường Trần Hưng Đạo, còn những rạp kia thuộc loại bình dân, học sinh Cao Thắng thích xem phim ở Lê Lợi vì chiếu những phim cũ, phim hay, phim tình cảm. 

ToQuangCaoPhimTờ rời quảng cáo chiếu phim ngày 10-1-1975 tại Rạp Eden

 

Nếu không xem phim thì xem sách ở các nhà sách Khai Trí, Tự Lực, Lê Phan trên đường Lê Lợi, Toàn Lực trên đường Lê Thánh Tôn và Xuân Thu ở khu Eden. Trong những nhà sách nầy, chỉ có Khai Trí là có nhiều sách tha hồ lựa chọn và “đọc sách cọp” thoải mái. Có người giải thích “đọc sách cọp” do “coi hát cọp” mà ra, có người cho “coi hát cọp” do người coi hát ở Sàigòn được dắt trẻ em theo khỏi trả tiền, gọi là đi kèm, tiếng Pháp là accompagné giải thích nầy, theo tôi nghĩ không ổn. Tôi nghĩ “coi hát cọp” là cọp coi hát không phải trả tiền, như nhà văn Sơn Nam viết trong truyện ngắn Hát bội giữa rừng trong tập truyện Hương rừng Cà Mau. 

NhaSachKhaiTriNhà sách Khai Trí 60-62 Đại lộ Lê Lợi

 

Nơi đây ăn sáng đã có mấy quán Thanh danh tiếng một thời như Thanh Xuân trên đường Tôn Thất Thiệp, Thanh Thế góc dường Tạ Thu Thâu - Nguyễn Trung Trực, Thanh Bạch nằm giữa ciné Vĩnh Lợi và nhà thương Sàigòn, lại thêm nước mía Viễn đông gần ngã tư Pasteur với Lê lợi. 

Muốn uống cà-phê, ăn bánh ngọt chịu khó ra đường Tự Do có La Pagode, Givral, Brodard.

Năm 1964, tôi tốt nghiệp Tú Tài Kỹ Thuật, từ đó rời khỏi Trung học Kỹ thuật Cao Thắng, không còn thì giờ dạo chơi ở trung tâm Hòn ngọc Viễn đông, chấm dứt thời “tuổi trẻ đầu xanh vô số tội”, mà tội lớn nhất là ham vui, thường đi “rửa mắt” vào mỗi chiều Thứ Bảy khi học vẽ với các giáo sư dạy giờ Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Văn Phúc, Lê Tài Quấc, Trần Thế Can và các giờ được nghỉ vì giáo sư bận hay bệnh bất thường.

Kỹ thuật Cao Thắng với tôi một thời tuổi trẻ nhiều kỷ niệm vui buồn, nay đã lùi xa vào dĩ vãng cùng với Sàigòn tên tuổi một thời của Hòn ngọc Viễn Đông.

ChoBenThanhChợ Bến Thành 

Còn Tiếp

Phần 3: Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật

 

Bình luận  

 
-1 #2 Truong Ngoc Diep Thứ 5-11-16 23:10
su pham ky thuat 1967-1969:Diep, Chien,Hung,An,T hu,Manh,..
 
 
+1 #1 Phan Văn Vinh Thứ 3-10-16 03:33
Kính chào Thầy , em là cựu HS Cao Thắng 1960-1967 , đọc bài của Thầy em như thấy lại cả đoạn phim cuộc đời HS của mình . Cám ơn bài viết của Thầy . Chúc Thầy luôn vui , khỏe .
Hiện em đang sinh hoạt với Hội LTKT/Tây Úc.

Vinh .
 

Bạn không có quyền bình luận.