Vào Trường Kỹ Thuật - Phần 2

 

Chương 1 (Tiếp theo)

Chuẩn bị vào trường

laithieu

Quận Lái Thiêu thuộc Tỉnh Thủ Dầu Một thời Pháp thuộc
(nguồn: blog TRANHUNG09)

 

Xa Quê: Tôi không nhớ rõ thời gian xảy ra vào tháng nào nhưng tôi nhớ rất rõ là cuối năm 1962, thời gian nầy tôi đang học lớp Nhì trường Tiểu Học An Thạnh, Quận Lái Thiêu, Tỉnh Bình Dương. Trường học cách xa nhà tôi không xa lắm áng chừng 5-7 Km, nhưng với một đứa trẻ 11 tuổi, đi chân đất, đầu trần, tay ôm cái cập gồm 5 quyển vở, 3 cuốn sách: Tập Đọc của Đoàn Văn Bảo, Sách Toán Đố của Đoàn Xuyên, Sách Vệ Sinh Thường Thức . . ., nó nặng lắm các bạn, nặng đến nỗi tôi phải dừng chân nghỉ mệt đến vài chục lần thì mới về đến nhà, Ngày nào mà mẹ tôi không đánh tôi thì có lẽ ngày ấy tôi ăn cơm không ngon, tôi bị đòn nhiều đến nỗi tôi trở nên lì lợm nhất nhà, mình mẩy tôi lúc nào cũng ẩn hiện nhiều vết roi, tôi không coi đó là nỗi nhục hay sợ hãi, mà đó là dấu vết của lòng tự hào mà má tôi đã ban phát cho tôi. Má tôi đánh tôi có nhiều lúc đúng với cái tội của tôi nhưng cũng có nhiều lúc sai và oan khiên cho tôi, nhưng tôi biết nói cùng ai, chia sẽ khổ đau nầy cho ai đây, xung quanh tôi ai cũng hạnh phúc chỉ riêng mình tôi cô đơn và buồn tủi. May quá tôi còn có 2 thằng bạn thân, thân đến nỗi chúng tôi chia sẻ tất cả những gì chúng tôi có. Năm 1960 – 1961, phong trào đồng khởi của Việt cộng ở Bến tre, nhân rộng khắp miền Nam, cụ thể phong trào giải phóng đã nở rộ lên ở làng quê nhỏ bé của tôi, nó cuốn hút mọi ngươi vào cuộc chơi mới, một cuộc chơi đầy máu và nước mắt, người theo quốc gia, kẻ theo Việt Cộng tuần nào, tháng nào trước mắt tôi cũng thấy xác chết của Việt Cộng bị hành hạ tại chợ Búng (Thị Trấn An Thạnh ngày nay). Quân đội Quốc Gia hành hạ những cái xác chết của Việt Cộng với mục đích là làm cho người sống phải sợ mà không dám theo Việt Cộng. Muốn đạt được cứu cánh con người ta thường dùng bất cứ phương tiện nào để đạt được mục đích mà mình đang vươn tới. Khoảng cuối năm 1962, Ông Đội Lẹ (Thượng Sĩ Lẹ), Vai vế tôi gọi bằng chú, vì có bà con với bà nội tôi, trong buổi lễ khánh thành hàng rào Ấp chiến lược đã bị chú Út Mương 'tặng' một trái mìn, làm chết Đội Lẹ và một số viên chức khác. Xóm nghèo nhỏ bé của tôi luôn luôn bị chính phủ Quốc gia dòm ngó, ngày đêm bị khủng bố trắng khủng bố đen, mạng sống của nguời dân nằm trong tay của hai phe, phe nào cũng làm khổ dân đen, làm khổ người dân chất phác như gia đình của má tôi và 5 anh chị em chúng tôi. Hằng đêm Việt Cộng kéo về hành khổ dân lành, bắt dân chúng làm theo mệnh lệnh, nhà nào mà không theo mệnh lệnh, thì bị cảnh cáo, lần sau không tuân lệnh sẽ bị xử tử hình. Thời đó, Chính quyền Quốc Gia, phát không cho mỗi gia đình một cái banner bảng đỏ, chữ vàng: “Gia đình tôi quyết không chứa chấp Việt Gian, Cộng Sản”, một lá cờ Vàng ba sọc đỏ, làm bằng thiếc (không phải là vải) và một cái mõ tre, bắt buộc phải đánh mõ tre lên khi Việt Cộng xâm nhập thôn xóm. Ác một nỗi, Việt Cộng chơi trò “gậy ông đập lưng ông”, vì mỗi lần về thôn xóm, Việt Cộng bắc loa làm bằng thùng thiếc kêu lớn: “Yêu cầu đồng bào đánh mõ lên”, trốn trong hầm (dạo ấy, mỗi nhà thường chế tạo ít nhất một căn hầm ngầm, hoặc nổi tùy theo túi tiền của gia đình mình), tôi nghe rất rõ chỗ nào là tiếng la của chú Út Mương (Xã đội trưởng VC thời bấy giờ). Chỗ nào là tiếng của chú Tám cắt cỏ, và tôi còn nghe rõ ràng tiếng của thằng Hai Vấn anh thằng Đáp con cậu hai Mấy bà con của má tôi. Tôi có một cái tật xấu là không khi nào giữ được bí mật, tôi thì thào với má tôi là có tiếng của thằng Vấn đó má ơi, má tôi nắm lỗ tai tôi vặn thật mạnh, nếu tay má tôi mạnh thêm chút nữa, có lẽ bây giờ tôi chỉ còn có một vành tai để đeo kiếng. “Chuyện gì đến rồi sẽ đến, hãy đợi đấy”. Vào một đêm trăng sáng, sáng như ban ngày, ánh sáng xuyên qua từng kẽ lá của những cây "Cau" trước nhà tôi, Tiếng chó sủa vang vọng từ đầu thôn đến cuối xóm, khi Việt Cộng chưa "nổi đình nổi đám" những đêm sáng trăng, là những đêm đẹp nhất, vì lũ trẻ chúng tôi có thể vui đùa dưới ánh trăng với nhiều trò chơi vui thích, (nhắc đến nuôi chó cũng là một nỗi ám ảnh khôn lường trong thôn xóm nhỏ bé của tôi. Đám lính Quôc gia khuyến khích mỗi gia đình phải nuôi it nhất một con chó, mục đích là khi có ngưòi lạ là lũ chó sẽ sủa, chó sủa dữ dội, nhất là chó sủa trăng, sau đó là những tiếng người rù rì bàn tính, người dân không biết chắc là phe nào, áng chừng nửa tiếng đồng hồ sau là sẽ biết phe nào, nếu nghe tiếng morchê "đề ba" từ trại Biệt Động Quân Tiểu Đoàn 36, tiểu đoàn lính Nùng con cưng của bà Ngô Đình Nhu, thì bà con hàng xóm chui xuống hầm ngầm van vái phật trời, đức Mẹ cho tai qua nạn khỏi. Mạng sống của người dân như gia đình 6 mẹ con chúng tôi, sao mà nó mong manh, thật là mong manh như là suơng, là khói, chỉ cần một cơn gió mạnh thì sương khói sẽ tan đi. Đám Việt Cộng thì cấm triệt để không cho nuôi chó, gia đình nào mà để cảnh cáo 2, 3 lần thì kể như không còn chỗ đội nón, đối với Viêt Cộng, làm tốt thì có giấy khen, còn có tội thì tử hình. Lính Quốc Gia thì lâu lâu xin một con chó để làm “rựa mận”, hầu hết lính Tiểu Đoàn 36 Biệt Động Quân là nguời Nùng từ ngoài Bắc chuyển vào. Hồi thời ấy xóm tôi chỉ nuôi chó để bán cho dân Hố Nai, chứ ít ai dám ăn trừ mấy ông lớn tuổi ham ăn nhậu. Sở dĩ tôi biết chính xác là Tiểu Đoàn 36 BĐQ, vì tôi có một ông chú bà con đăng lính này khi ông vừa đủ tuổi vào lính. "Chuyện phải đến, đã đến". Có tiếng gõ vào cửa nhà tôi tuy nhỏ, nhưng dồn dập nhà tôi, má tôi, chị tôi, tôi và những đứa em nhỏ của tôi ngồi bó gối trong hầm mà không dám thở mạnh, sau nhiều lần gõ cửa dồn dập có tiếng kêu rì rào, thì thầm vừa đủ cho anh chị em chúng tôi “són” trong quần. “Chị bảy ơi, chị bảy ơi mở cửa”. Má tôi không dám mở cửa chỉ run run lên tiếng: “Ai đó, xin tha cho gia đình tôi mấy chú ơi, nhà tôi chỉ có đàn bà và con nít”. (Sau nầy má tôi kể lại vì sợ mấy ông Quốc Gia giả dạng Việt Cộng thì chết). Tôi thì lanh lẹ lắm, nghe tiếng thì nhận ra ngay là chú Tám cắt cỏ, khi ba tôi còn ở quê đánh xe bò, chú Tám hành nghề cắt cỏ bán cho những ngưòi đánh xe bò. Thôn xóm của tôi có những cái nghề mà trên thế giới nầy không nơi nào có, đó là nghề “Cắt Cỏ” bán cho những người đánh xe bò, con bò kéo xe phải ăn cỏ ngon, sạch sẽ mới bổ để có sức phục vụ lợi ích cho chủ. (Từ đó tôi đã chiêm nghiệm ra một triết lý về cuộc sống chung quanh, không ai cho free ai cái gì hết, kẻ vì vật chất, người vì tinh thần, cái nào cũng có cái giá của nó cả, con bò sở dĩ ăn cỏ non, cỏ đồ "hiệu" chính gốc vì mầy là phương tiện mang lợi ích vật chất cho tao, "vật dưỡng nhơn thì nhơn dưỡng vật" cái qui luật cộng sinh luôn luôn bất di bất dịch như "Tam đoạn luận của Aristote: "Con ngưòi thì phải chết, Aristote là người, vậy Aristote phải chết. (A=B, B=C, suy ra A=C), con bò làm việc cho đến ngày hết sức, thì bị bán để người ta xẻ thịt, hồi nhỏ khi ba tôi bán cặp bò, chỉ giữ lại chiếc xe, tôi đã khóc, như chưa từng được khóc, và có lẽ tôi không bao giờ được khóc như thế một lần nữa, tôi chỉ thấy ba tôi quay mặt len lén chùi dòng lệ trên đôi mắt của ông khi người ta dẫn đôi bò ra khỏi nhà tôi, và tiếng rống của đôi bò sao mà nó thê lương, đau khổ đến như thế. Nhắc lại chuyện chú Tám Cắt cỏ Mỗi lần gặp tôi chú Tám thường hay vỗ đầu tôi, khuyến khích tôi rán học, học cho giỏi để sau nầy không làm nghề cắt cỏ như chú, mà sợ thiệt cái lưỡi liềm sáng choang, cắt cổ người ta con chết, chứ đừng nói là cỏ, phải như vậy thì cắt mới nhanh, và nhiều được, nhiều khi con phải “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” bởi vì phải giành giật từng đám cỏ ngon dọc theo mương rạch quanh thôn xóm với những người cùng nghề. Sợ nhất là cái đám sâu rọm đụng trúng phải nó ngứa hai ba ngày chưa hết. Đó là một nghề tôi nhất định không bao giờ làm khi khôn lớn. Một cái nghề thứ hai cũng nhẹ nhàng nhưng kinh khiếp hơn nhiều, đó là nghề “hốt phân bò” nói nghe cho văn chương tao đàn, không làm hại chữ nghĩa, chứ quê tôi người ta gọi là nghề “Hốt cứt bò”. Hồi tôi còn nhỏ dại má tôi thưòng hay mắng nhiếc mỗi khi tôi làm điều gì sai. “Mầy lớn lên chắc đi hốt cứt bò mà sống” Và cái điều răn đe của má tôi thật sự có tác dụng với tôi, bầy bò đi trước đủng đinh ăn cỏ trên gò cỏ mênh mông, không một bóng cây che nắng, nắng Miền Đông Nam Phần thì ai đã đi qua Củ Chi, Đồng Dù, Phú Hòa Đông, Phú Hòa, Phú Chánh, Bình Dương thì phải biết, nó như thiêu như đốt lên da thịt con ngừơi, (Quân Đội Hoa Kỳ, Không Đoàn Kỵ Binh Bay Và Sư Đoàn Tia Chớp Nhiệt Đới khi về đóng ở vùng nầy, Lính Mỹ anh nào cũng ở trần trùng trục, miệng nhai chewing gum, mình mẩy đỏ au thấy Mỹ là con nít khóc thét lên).
Người hốt phân bò, đầu đội nón lá rách bươm, (chưa bao giờ tôi thấy người hốt phân bò đội nón lá mới) vai quảy gánh phân hôi hám, đi sau những con bò, chờ chừng nào bò đi toilet thì dùng cái mo cau, và cái cây cũng làm từ cành của tàu cau hốt đống phân còn nóng hổi bỏ vào đôi thúng cho đến khi nào đầy đôi thúng thì gánh về, đổ thành đống, ủ vói tro bếp, lá bọ xít, nước tiểu người, vôi, và ít nhất là một năm, cho “hoai” thì có thể bán cho nông dân làm phân xanh. Người làm nghề nầy mình mẩy đượm mùi hôi thối của phân bò, nước tiểu người nên ai gặp cũng tránh xa, có lẽ người ta tránh xa như người mang bệnh “cùi hủi”. Một lần nữa trở lại chuyện chú Tám cắt cỏ, tôi nói với má tôi "chú Tám cắt cỏ chứ ai đâu mà má sợ", hồi nhỏ tôi thích chú Tám lắm vì mỗi lần gặp chú là chú cho tôi 2,3 cục kẹo “Ú”, 5 cắc thời Ngô Đinh Diệm là có thể mua được ba cục kẹo “Ú”, nhưng lần nầy gặp chú tôi không còn được nhận ba cục kẹo “Ú” nữa. Chú Tám cắt cỏ bây giờ là xã đội phó Việt Cộng ở Xã An Thạnh, và lần đó là lần cuối cùng tôi gặp chú. Chú Tám nói nhanh qua khe cửa: "Chị Bảy, cho em nhắn anh Bảy về sống với anh em, tụi tôi cần sự chỉ dẫn của anh Bảy". Lớn lên tôi biết rõ sự thật là ba tôi đã chạy làng từ khuya rồi, mật ba tôi đã lưng khi một bầy con 5 đứa, lớn nhất 10 tuổi, nhỏ nhất hơn 1 tuổi. Hơn nữa ba tôi đang sống độc thân tại Vĩnh Long, thời đó phần đông người ta chạy xe mướn, còn ba tôi thì làm chủ một chiếc xe Lambretta ba bánh đầu nhỏ, mới toanh, bạn hàng trẻ đẹp, ”những bông hoa biết nói” vây quanh thì làm sao ba tôi trở thành Việt Cộng được. Từ khoảng năm 1959 cho đến 1961 tôi không hề gặp mặt ba tôi, vì mỗi lần về thăm ba tôi phải trốn lính Quốc Gia lẫn Việt Cộng. Tôi chỉ biết mơ hồ là ba tôi ở xa lắm, đi xe lô, xe đò, qua Bắc Mỹ Thuận thì tới, tôi nghe chị hai tôi kể vậy, chứ má tôi không bao giờ dẫn tôi đi thăm ba tôi. Lý do không phải là má tôi không thương tôi, mà chỉ vì tánh tôi, trực tính thấy sao nói vậy nên má tôi sợ, không cho tôi biết, vì tôi biết thì khi ai hỏi tôi sẽ khai hết và như thế tôi sẽ hại chồng của bà nên bà sợ tôi biết sự thật về ba tôi.

Sydney, June, 2009
Vũ Trọng Bình
Hội Ái Hữu Liên Trường Kỹ Thuật Việt Nam/Úc Châu


Xem thêm:
Vào Trường Kỹ Thuật - Phần 1
Vào Trường Kỹ Thuật - Phần 3
Vào Trường Kỹ Thuật - Phần 4

 

Bạn không có quyền bình luận.