Chuyến thăm bạn đáng nhớ.

ChuyenThamBan8

Nhân dịp tham dự Đại Hội LTKTVN Úc Châu kỳ 7 năm 2014 tại thành phố Perth, Tây Úc, vợ chồng tôi, cô chú Oanh, anh chị Chính và anh Tiếu đã sắp xếp đi thăm anh chị Quan ở Geraldton, cách thành phố Perth hơn 400km về phía Bắc.

Em Khiết, hội trưởng LTKT Perth cho mượn xe, chúng tôi chỉ cần đổ xăng. Sáng ngày 24/11/2014, sau bữa điểm tâm với gia đình Khiết, 7 người chúng tôi lên đường, Oanh là người trẻ nhất trong nhóm, trước đây đã từng lái xe đến vùng Alice Spring và nhiều nơi xa khác, nên tay lái rất vững và có nhiều kinh nghiệm lái đường trường, chú đã nhận làm “lái xế” toàn thời” cả lượt đi lẫn lượt về. Anh Quan trước đây là cựu hiệu trưởng trường THKT Y-Ut ở xứ Buồn Muôn Thuở (Ban Mê Thuộc-VN) và cũng là cựu giáo sư KT Cao Thắng trước năm 1975. Chúng tôi đã gặp nhau ở Sydney vào năm 1991... Rồi anh lại đi xa và anh chị đã về sống tại vùng Geraldton khoảng 20 năm nay. Biết chúng tôi sẽ đến thăm, anh chị vui lắm, anh đã đặt trước motel cho chúng tôi ở sát bờ biển và cũng rất gần nhà anh chị.

Trước khi chúng tôi khởi hành, anh đã liên lạc trước, cẩn thận dặn dò nên đi đường nào nhanh và ít nguy hiểm nhất. Xe vừa đến ngã rẽ vào xa lộ để hướng về Geraldton thì một trục trặc nhỏ xảy ra buộc phải quay trở lại nhà Khiết, vì chị Chính đã quên đem theo thuốc nhỏ mắt, mà bác sĩ điều trị bắt buộc phải nhỏ hằng ngày, không thể thiếu được. Không một ai nhớ đường trở lại, lòng vòng ở mấy con đường hơn 10 phút... May quá, mọi việc cũng qua!

Xe bắt đầu chạy bon bon. Các con đường xuyên bang của nước Úc hình như nơi nào cũng giống nhau. Kìa những cánh đồng lúa mì bát ngát chỉ còn trơ gốc rạ, rải rác những bành cỏ khô và mấy con bò thong thả gặm cỏ. Thỉnh thoảng có những vườn cây ăn trái, xen kẽ là những ngôi nhà gạch mái “tôn” với các xe tải, máy cày và dụng cụ nhà nông của các chủ trại. Đó là chưa kể tới những khoảng rừng hoang bạt ngàn. Úc Đại Lợi thật đúng với tên “Miệt Dưới, Down Under” đất rộng người thưa.

Khi chúng tôi vừa vào ranh giới Geraldton, nơi có bảng ghi tốc độ hạn chế 70km/giờ thì anh chị Quan đã đậu xe đợi sẵn để đón chúng tôi cùng về và cho chúng tôi một bữa trưa ngon tại một tiệm của người Việt. Tiệm ăn nhỏ nhưng chưng bày khá gọn gàng, đẹp và sạch sẽ, thức ăn vừa ta vừa Tây, hôm đó có đông khách Úc và Việt.

ChuyenThamBan1

 

ChuyenThamBan2

 

Trước khi hướng dẫn chúng tôi về motel nghỉ ngơi, anh chị Quan cũng cho chúng tôi ghé qua chiêm ngưỡng tổ ấm xinh xắn của anh chị, cũng có đủ bông hoa, cây trái. Trong những ngày ở đây, chúng tôi đã được anh chị tiếp đãi thật là chu đáo. Các bữa ăn tối đều được anh chị làm ở nhà. Tối đầu tiên, khi chúng tôi và anh chị Chương (bạn anh chị Quan tại địa phương) tới thì thức ăn đã sẵn sàng. Món ăn đặc biệt mà chúng tôi còn nhớ mãi là món “cà ri đuôi Kangaroo” thật là ngon, là món mà vợ chồng tôi chưa được ăn lần nào kể từ ngày qua Úc. Chị Quan nói ở đây, đuôi Kangaroo ở chợ rất hiếm, muốn mua phải dặn trước. Vừa ăn chúng tôi vừa trò chuyện tâm tình, nào chuyện xưa chuyện nay, chuyện vui chuyện buồn, không sao kể xiết!

Cơm nước dọn dẹp vừa xong là tới màn Karaoke “cây nhà lá vườn”. Anh Quan “cầm chầu”, mọi người hay dở gì cũng phải hát, kể cả cô Oanh, chị Chính thường hay mắc cỡ, rụt rè cũng phải hát cho vui. Chị Chương ca vọng cổ rất hay, giọng ấm, ngọt và đúng nhịp, nghe nói chị còn biết đàn cổ nhạc nữa, rất tiếc chưa được nghe tiếng đàn của chị. Có lẽ lâu quá mới có bạn từ xa đến thăm nên chủ nhà chưa muốn chấm dứt chương trình văn nghệ dù đã quá nửa đêm.

Sáng hôm sau, may mắn trời rất đẹp, anh chị Quan đưa chúng tôi đến thăm và ăn sáng tại nhà anh chị Chương. Anh chị nầy đã định cư ở đây từ năm 1981. Anh chị hiện có một nông trại nhỏ cách nhà khoảng 15 phút lái xe và đặc biệt, trước cửa nhà anh chị có một quầy nhỏ để bày bán một ít rau cải, cà, bắp, khoai, trái cây có từ nông trại nhà cho những khách qua đường hay những nhà lân cận muốn mua. Không cần có người coi hàng, mỗi món đều có ghi sẵn giá tiền, ai muốn mua gì thì cứ theo đó mà nhét tiền vào khe hở của một hộp sắt, tới chiều anh chị mới ra mở hộp lấy tiền. Chút chút như vậy mà cuối tuần di chợ còn dư. Bây giờ anh chị đã tới tuổi hưu, các con đã nên người, chúng không muốn “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” như cha mẹ nữa mà đi xa lập nghiệp tại các thành phố lớn như Perth, Melborne, Sydney... Anh chị vẫn bám trụ ở vùng quê êm ả nầy. Hôm nay các anh lại đưa chúng tôi viếng các bãi biển đẹp cách Geraldton 200km về hướng Bắc, cũng cát mịn, nước trong xanh như Bondi của Sydney hay Gold Coast của Brisbane, chúng tôi cũng thấy một hồ thiên nhiên, nước có màu đỏ hồng rất lạ.

ChuyenThamBan3

ChuyenThamBan4

ChuyenThamBan5

ChuyenThamBan6

Ngày 26/11 trên đường tiễn chúng tôi trở lại Perth, anh chị Quan cho chúng tôi thăm một nông trại khá lớn đang mở mang thêm. Nông trại nầy của hai vợ chồng trẻ, người vợ mới được cưới từ Cà Mau năm vừa rồi. Nhìn vợ chồng lam lũ, vợ hái lặt, chồng lái xe truck giữa trời nắng chang chang, chúng tôi thầm cảm phục. Bây giờ nhọc nhằn khổ cực, mươi năm nữa chắc chắn sẽ thành đạt và cơ ngơi sẽ vững vàng như những người qua trước.Khoảng 11 giờ, chúng tôi từ giã đôi vợ chồng trẻ nầy, anh chị Quan đưa chúng tôi đến ngã rẽ xa lộ về hướng Nam. Anh chị Quan dừng xe lại để từ giã chúng tôi, mọi người đều bùi ngùi xúc động, tay nắm tay mà không muốn buông ra. Chia tay bây giờ còn có cơ hội gặp lại nhau nữa không? Khi kẻ ở bên Đông, người ở bên Tây và đều đã già hết cả rồi! Chúng tôi đã thay mặt em Khiết để mời anh chị tham dự Đại Hội LTKTVNUC kỳ 7 năm 2014 tại Perth, rất tiếc vì lý do sức khỏe anh chị không thể tham dự được. Nhìn cách anh chị sinh hoạt và trang trí nhà cửa, chúng tôi đoán anh chị đang buông bỏ tất cả mọi phiền lụy của chốn “phồn hoa đô hội” để được sống an nhàn trong những ngày còn lại ở miền đất thanh bình êm ả nầy.

ChuyenThamBan9

ChuyenThamBan10

 

Nhớ lại khoảng ba bốn mươi năm trước, phần lớn người Việt tị nạn tới được bến bờ tự do với hai bàn tay trắng, đã không nề hà bất cứ công việc lương thiện nào để gầy dựng lại cuộc sống và cố gắng nuôi dạy con cái nên người. Người ở thành thị thì đi làm trong các hãng xưởng -gọi là cu li- còn người ở miền quê thì đi làm công hái trái ở các nông trại, cực khổ trăm bề. Vậy mà bây giờ người Việt chúng ta đã theo kịp các cộng đồng di dân khác, cũng cai quản  nhiều cơ sở kinh doanh, cũng làm chủ các nông trại lớn và nhất là sự thành đạt và hội nhập của con cái chúng ta trong mọi lãnh vực: Đó có phải là niềm vui lớn của chúng ta không?

L.Hoa  08/01/2015
Liên Trường Kỹ Thuật Việt Nam/Úc Châu

Bạn không có quyền bình luận.