Thế nào là tinh thần Kỹ Thuật?
Hoàng Chương
Học tập tại Trường Sư Phạm Kỹ Thuật Thủ Đức.
Nguồn: spkt.net
Trong các buổi họp mặt nghe các thầy cô, các anh chị nói chuyện, hoặc trong các bài viết, mọi người hay nhắc đến tinh thần Kỹ thuật, dòng máu Kỹ thuật (anh Dũng Melbourne còn gọi là máu "marine bleu") một cách rất tự hào. Vậy thế nào là tinh thần Kỹ Thuật?
Tôi vào trường Kỹ Thuật trong buổi giao thời, niên khóa 1977-1979 trường Nguyễn Trường Tộ-Phan Đình Phùng (lúc đó gọi là trường Kỹ Thuật Công Nghiệp Thành Phố), vì vậy trong gia đình Kỹ Thuật tôi thuộc loại em út, thiếu hiểu biết. Lại nữa cái môi trường Kỹ Thuật tôi học không biết còn bao nhiêu phần trăm của cái truyền thống trường Kỹ Thuật miền Nam Việt Nam trước kia. Tuy nhiên tôi xin mạo muội trình bày suy nghĩ của mình về tinh thần Kỹ Thuật.
Tôi nghĩ cùng một lứa tuổi nhưng học sinh Kỹ Thuật khác hẳn với học sinh các trường phổ thông. Trước tiên là thời gian học, học sinh Kỹ Thuật ở trường cả ngày chứ không phải chỉ nửa buổi; đi học mà không khác đi làm, ra khỏi nhà vào sáng sớm, về đến nhà đã chiều tà. Hơn nữa vì học cả ngày nên phải cơm đùm, cơm nắm cho bữa trưa. Có lẽ vì vậy học sinh Kỹ Thuật coi như đã "vào đời" sớm, nghĩa là đã phần nào độc lập, thoát khỏi vòng cương tỏa của gia đình.
Lớp học Kỹ Thuật cũng khác lớp học phổ thông, số học sinh đã ít hơn mà thường chia thành nhóm dưới xưởng nên bạn học có nhiều thời gian với nhau hơn, hiểu nhau nhiều hơn, thân nhau hơn. Học sinh cùng trường dù không thân nhau cũng biết nhau, gặp nhiều nên nhớ.
Các hình thức học tập tại Trường Sư Phạm Kỹ Thuật Thủ Đức.
Nguồn: spkt.net
Chương trình học Kỹ Thuật bắt buộc phải có giờ thực hành dưới xưởng, tùy theo lớp, năm học, giờ dưới xưởng có thể từ một phần cho đến bằng giờ trên lớp. Học sinh xuống xưởng là làm việc cật lực, không ngại khó khăn, khổ cực, chẳng khác gì đi làm.
Tình thầy trò trong trường Kỹ Thuật cũng khác; nhiều giờ dạy mà ít lớp, các thầy cô, đặc biệt các thầy cô dạy nghề rất gần gũi với học sinh. Đa số các thầy cô Kỹ Thuật cũng từng là học sinh Kỹ Thuật nên ngoài việc truyền đạt kiến thức còn là duy trì truyền thống. Dạy và học không chỉ là thầy dạy trò mà còn là đàn anh chỉ bảo cho đàn em, thương yêu, bảo bọc nhiều mà la mắng cũng không ít.
Thực hành là phần không thể thiếu trong chương trình Trung học Kỹ Thuật.
Nguồn: spkt.net
Những điều trên đã tạo nên sự khác nhau giữa trường Kỹ Thuật và trường phổ thông và là nền tảng của tinh thần Kỹ Thuật. Theo tôi tinh thần Kỹ Thuật là học đi đôi với hành cũng có nghĩa nói là làm, chịu khó, chịu khổ; tinh thần Kỹ Thuật là tinh thần đồng đội, bạn bè như anh em, thầy cô vừa là cha mẹ vừa là anh chị; tinh thần Kỹ Thuật là trường như nhà, đi xa vẫn nhớ, suốt đời không quên.
Phải chăng cũng vì mang tinh thần đó mà các học sinh Kỹ Thuật vào đời dù theo nghề nghiệp gì, dù ở cương vị nào cũng gắng hết sức hoàn thành nhiệm vụ của mình và luôn giữ tình thân ái trong gia đình Kỹ Thuật.
Vài suy nghĩ thiển cận mong các thầy cô, các anh chị chỉ giáo và đóng góp thêm.
Hoàng Chương
Hội Ái Hữu Liên Trường Kỹ Thuật Việt Nam/Úc Châu
Bình luận
Hom thi xuong that tran ai:tinh toan lam 1 bep dien 110V/1000W,do dac cat 1 mieng tole,khoan lo,ep mi vat va qua muon bo cuoc! nhin quanh Thu,Luong,Ut,.. .dan BKTC lam ao ao,thay toi qua thay GT khuyen khich co gang hoan tat di toi cho dau that may man duoc dau chinh thuc .