Vài Kỷ Niệm Với Trường Kỹ Thuật Việt Nam - Phần 5 Trung Học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ

Giới thiệu tác giả

HuynhAiTongÔng Huỳnh Ái Tông, hiệu trưởng Trung Học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ Sàigòn trước 30/04/1975. Sau thời gian cải tạo và trở về làm việc cho Sở Công Nghiệp Thành phố, năm 1983 ông được trở lại trường cũ, giữ một chức vụ trong Ban Giám Hiệu, trường có tên mới là Trung Học Kỹ Thuật Công Nghiệp Thành Phố HCM. Ông là một trong những cựu giáo chức còn giữ nhiều hình ảnh, tài liệu và rất gắn bó với ngành học Kỹ Thuật Miền Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm Hội Ái Hữu Liên Trường Kỹ Thuật Việt Nam Úc Châu thầy Tông gửi đăng bài viết “Vài Kỷ Niệm với Trường Kỹ Thuật Việt Nam”. 

Xin trân trọng giới thiệu cùng quý Thầy Cô và các cựu học sinh Kỹ Thuật.

Nguyễn Phấn, cựu giáo chức TH. Kỹ Thuật NTT, Sàigòn

 

Vài Kỷ Niệm Với Trường Kỹ Thuật Việt Nam

Phần 4: Trường Trung Học Kỹ Thuật Y Ut Banmêthuột

Huỳnh Ái Tông

 TuongOngNguyenTruongToTượng ông Nguyễn Trường Tộ

 

Như đã trình bày trước, Trung học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ là trường kỹ thuật đầu tiên ở Việt Nam, do Xưởng Ba-son lập ra để đào tạo thợ phục vụ cho công tác đóng sửa tàu bè của Xưởng nầy.

Sau khi người Pháp chiếm Gia Định năm 1859, năm 1861 Đô đốc Bonard đã ra lệnh thiết lập ụ tàu ở Xưởng Thủy của nhà Nguyễn trước đây, nhưng do đất đá ở đó khó làm nên đến 28-6-1864 mới hoàn thành để làm cơ sở sửa chữa tàu chiến tàu buôn từ Châu Âu sang, cũng như đóng mới tàu chiến, cơ sở nầy đặt tên là Asenal de Saigon.

BanDoSaigonTruoc1859Bản đồ Sàigòn trước năm 1859

Để đáp ứng nhu cầu của Hải quân, năm 1884 bắt đầu xây dựng ụ nổi 168 thước bề dài, có tên là Bassin de Radoub đáp ứng nhu cầu tàu chiến, đến ngày 3-1-1888 khánh thành. Người ta cho rằng nhiều người Việt làm ở Bassin de Radoub họ đã đọc trại ra Ba-son thành danh từ đó.

BassinDeRadoubBassin de Radoub

Để đào tạo thợ lành nghề, năm 1898, Arsenal de Saigon thành lập dưới hình thức một lớp dạy nghề có tên là Cours d’Apprentissage, tọa lạc tại 25 Chasseloup Laubat sau đổi ra Hồng Thập Tự, nay là Nguyễn Thị Minh Khai, từ đường Mạc Đĩnh Chi cho đếp giáp Tổng Lãnh Sự Pháp.
Lần lần trường được xây cất thêm và ít lâu sau đổi tên là ÉCOLE D’APPRENTISAGE DE COCHINCHINE. Năm 1904, trường được cải tổ, mở rộng thêm và đổi tên là: ÉCOLE PROFESSIONNELLE DE SAIGON. Năm 1942, Trường đổi tên là: ÉCOLE DES MÉTIERS.

LopHocXuaLớp học xưa của Trường

Năm 1945, khi Nhật chiếm Sàigòn, Trường bị chiếm làm Công Binh Xưởng, đến khi Pháp trở lại, Trường tạm dùng cơ sở École Technique Special (Trường Cao Thắng) để dạy lại với tên là CENTRE D’APPRENTISSAGE. Năm 1948, đổi tên là ÉCOLE PRATIQUE D’INDUSTRIE DE SAIGON
Đến năm 1949, Trường dời về cơ sở cũ 25 Chasseloup Laubat, do quân đội Pháp giao lại.(Một phần của Trường bị cắt ra, làm trụ sở Cảnh Sát Quận Nhứt), phần còn lại của Trường lấy địa chỉ mới là: 25 bis Chasseloup Laubart.

Năm 1957, Trường đổi tên là TRƯỜNG THỰC NGHIỆP SÀIGÒN. Đến năm 1959, đổi tên là TRƯỜNG TRUNG HỌC THỰC NGHIỆP. Năm 1962, Trường đổi tên là TRƯỜNG TRUNG HỌC KỸ THUẬT NGUYỄN TRƯỜNG TỘ.

TruongNTT 01Trường tại địa chỉ 25 bis Hồng Thập Tự

Ngày 10-9-1969, Trường được dời về tạm trú trong khuôn viên NHA KỸ THUẬT VÀ CHUYÊN NGHIỆP HỌC VỤ, địa chỉ 55C đường Tự Đức, Quận Nhứt, Sàigòn.

TruongNTT 02Trường tại địa chỉ 55C Tự Đức, trong khuôn viên Nha Kỹ Thuật Học Vụ

Tưởng cũng nên nói thêm, sau khi Trường Quân Y tại địa chỉ số 4 đường Hùng Vương dời về đường Nguyễn Tri Phương nối dài, từ năm 1964 cơ sở nầy bao quanh bởi khu nhà Chú Hỏa trên đường Lý Thái Tổ, đường Hùng Vương, đường Pétrus Ký (nay là Lê Hồng Phong) được dành làm nơi xây cất Trường Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ, nhưng do Tết Mậu Thân nhiều nhà dân bị cháy, chánh phủ dùng nơi nầy cứu trợ, định cư họ. Cũng do Tết Mật Thân, Toà Đại Sứ Mỹ bị Việt Cộng đột nhập, để được an ninh Mỹ bằng lòng đền cho cơ sở mới, trong khi chờ đợi xây cất, Trường dọn tạm về khuôn viên Nha Kỹ thuật Học vụ, vì nơi nầy từng là cơ sở của các Trường Kỹ thuật Phan Đình Phùng, Quốc Gia Âm nhạc, Thương mại, Nữ công Gia chánh và cả Kỹ sư Công nghệ.

Năm 1972, Bộ Giáo Dục giao TRUNG TÂM GIÁO DỤC KỸ THUẬT NGUYỄN TRƯỜNG TỘ tại Thủ Đức cho Ông Phan Kim Báu Hiệu Trưởng Trung Học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ, Trung Tâm nầy xây cất trên một nghĩa địa đã lâu đời. Trung tâm có nhiệm vụ đào tạo học sinh Trung Học Ban Toán, Ban Chuyên Nghiệp và đào tạo Giáo Sư Chuyên Nghiệp, nói chung là sáp nhập hai trường Trung Học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ và Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật (được thành lập năm 1962). Ban Giám Đốc cũng như toàn thể giáo sư sau vài tháng nhận trường, đã quyết định không di chuyển về trường mới, giao hẳn Trường cho Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật. Trường Trung Học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ vẫn tiếp tục hoạt động trong khuôn viên Nha Kỹ Thuật Học Vụ.

Năm 1973, Trường Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ, chuyển thành Trung Học Kỹ Thuật Đệ Nhị Cấp, bao gồm học sinh Nguyễn Trường Tộ và Kỹ Thuật Gia Định.
Ngoài việc đào tạo học sinh Ban Toán, Trường còn mở thêm Ban Thương Mại, Họa Viên Kiến Trúc.

TruongNTT 03Giáo sư và nhân viên Trường NTT sau khi Ban Quân Quản Sàigòn-Gia Định tiếp thu

Cho đến năm 1975, Trường bàn giao cho Ban Quân Quản Sàigòn-GiaĐịnh. Sau đó hai Trường Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ và Trung Tâm Chuyên Nghiệp Phan Đình Phùng, sáp nhập lại đặt trực thuộc Sở Công Nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cải danh là TRƯỜNG KỸ THUẬT CÔNG NGHIỆP THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, dùng cổng Trường Kỹ Thuật Phan Đình Phùng xưa ra vào, địa chỉ số 2 Phạm Đăng Hưng Quận 1, nay là đường Mai Thị Lựu.

TruongNTT 04Trường NTT - PĐP sau khi bàn giao cho Ban Quân Quản Sàigòn-Gia Định tháng 5-1975

Đến năm 1982, Trường Kỹ Thuật Công Nghiệp và Trường Nghiệp Vụ tọa lạc tại số 2 Cao Thắng, Quận 3 sáp nhập lại thành TRƯỜNG KỸ THUẬT NGHIỆP VỤ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.
Đến tháng 3 năm 1998, Trường được đổi tên là TRƯỜNG TRUNG HỌC CÔNG NGHIỆP THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.

Năm 2011 Trường được nâng cấp đào tạo trình độ cao đẳng nghề và lấy lại tên trường Nguyễn Trường Tộ trước đây, là TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ NGUYỄN TRƯỜNG TỘ.

Tôi đổi về Trung học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ vào tháng 10 năm 1970, thời gian đó ông Phan Kim Báu làm Hiệu Trưởng, anh Nguyễn Văn Phấn làm Giám học. Nói chung Trường không khác mấy so với thời tôi học Trường Kỹ Thuật Phan Đình Phùng, và được ông Trần Văn Bạch Giám Đốc Nha Kỹ thuật và Mỹ thuật Học vụ thời bấy giờ cho một số học sinh Kỹ thuật và Quốc Gia Âm nhạc ở tạm đi học, xây thêm một dãy có hai tầng lầu để làm văn phòng Trường và lớp học, mỗi tầng có 4 phòng, Xưởng cũ được ngăn chia thành nhiều xưởng nhỏ, có cửa và cửa sổ, cắt một phần xưởng nầy dành làm xưởng của Trung tâm Chuyên nghiệp Phan Đình Phùng, là Trường dạy các nghề tiểu, thủ công nghiệp như Dệt, Sơn mài, In ấn… Học sinh có cả nam và nữ.

Những lớp học Trường Kỹ thuật Phan Đình Phùng xưa được dùng làm văn phòng Giám Đốc, Phó Giám Đốc Nha, phòng Khảo thí, phòng Cố vấn Mỹ, có xây thêm Xưởng Máy Dụng Cụ, làm cổng ra vào tại số 55C trên đường Tự Đức.

Tôi chuyển về đây, Trường đã khai giảng rồi, tôi được phân công giảng dạy một lớp 9, một lớp 8 và hai lớp Sinh công. Sinh công là các em học nghề nhiều hơn văn hóa, do Công ty Air Việt Nam gửi sang cho Trường huấn luyện, mỗi năm Air VietNam trả cho trường một số tiền, các em sau 2 năm huấn luyện, được Air ViệtNam thu dụng, vì đó là con em của họ gửi đi học. Lúc đó Trường không có nữ sinh.

Năm 1971, hình như nhà xuất bản Chiêu Dương của anh Nhất Giang khan hiếm sách in, anh bảo tôi đưa bài soạn Kỹ nghệ họa cho anh in, nhờ đó tôi được in cuốn sách giáo khoa đầu tiên Kỹ Nghệ Họa lớp 9. Anh Nhất Giang học trên tôi một lớp, cùng có chung thời gian ở trong Trường Kỹ thuật Phan Đình Phùng, kỷ niệm khó quên với tôi là vào một buổi tối mấy anh em vào lớp học kê bàn lại chơi Ping Pong, đến lượt anh Nhất Giang và tôi chơi, không nhớ rõ vì sao anh và tôi giận nhau, tôi nghỉ chơi đi ra vòi nước rửa tay, cởi chiếc đồng hồ Movado, chú tôi mua năm trước giá 1200 đồng thời đó, để đồng hồ trên bệ cửa sổ ở tường ngoài lớp học, rửa tay xong tôi vào phòng nằm nghỉ, sau đó anh Nhất Giang vào phòng muốn làm hòa, bảo tôi xin lỗi, tôi nhất định không. Đến lúc xem giờ, nhìn đồng hồ không có trên tay, tìm mãi không thấy cuối cùng nhớ ra cái đồng hồ tôi đã bỏ quên trên bệ cửa sổ, không cánh mà bay, không ai cho lại.

Sau đó tôi soạn quyển Bài tập lớp 8 và 9, nhớ ra ông Khai Trí và tôi cùng ở trong Hội Ái Hữu Học Sinh Các Trường Kỹ Thuật Việt Nam, cũng có chút quen biết, nên tôi mang sách đến cho ông Khai Trí xuất bản. Tiền bán bản quyền dùng đầu tư vào việc mua một nền nhà trong Hợp Tác Xã Kỹ thuật, đất ở Gò Vấp bên bờ Sông Sàigòn, đã phân lô, nhưng đến năm 1975 nghĩ đến cảnh, như ông Khai Trí có hàng chục biệt thự quanh Sàigòn còn bị mất, nhiều người nhà cao cửa rộng bị đi kinh tế mới trắng tay, tiếc chi mảnh đất hơn 200 thước vuông, tôi bỏ từ đó.

SachKhaiTriSách do nhà sách Khai Trí phát hành

Năm 1974, tôi ra Nha Trang làm Chủ tịch Hội Đồng Giám Thị thi Tú Tài Kỹ Thuật Toàn phần kỳ 2, được ông Lại Kim Tỵ Hiệu Trưởng trường Kỹ Thuật Nha Trang mời dự tiệc đãi giáo sư Nguyễn Văn Chuổi đi làm Hiệu Trưởng Trường Kỹ thuật Y Ut Banmêthuột và ông Nguyễn Ngọc Xuân thuyên chuyển về trường cũ.

Nhớ lại năm 1970, tôi được thuyên chuyển về Sàigòn, ông Huệ căn dặn tôi vào gặp ông Giám Đốc Lý Kim Chân trước tiên, vì ông ta đã giới thiệu tôi đi làm Hiệu Trưởng trường Kiến Hòa, tôi gặp ông Chân và từ chối ngay vì tôi muốn về Sàigòn đi học thêm và gần gia đình. Năm 1973, ông Trần Minh Hoàng, Phó Giám Đốc Nha gọi tôi vào văn phòng, bảo tôi nhận làm Hiệu trưởng Trường Kỹ Thuật Gia Định, tôi từ chối, lấy lý do đường đi lại không an ninh. Ông Nguyễn Văn Huệ cũng bảo tôi trở lại Banmêthuột làm Hiệu trưởng, tôi cũng từ chối vì tôi ớn cái xứ mưa bùn, gió bụi nhất là Buồn Muôn Thuở. Tôi tự hỏi sao ông Huệ không đề cử ông Nguyễn Hữu Phòng (KNS) hay Hoàng Văn Thư (KNH) giáo sư của Trường, nên ông Chuổi mới có cơ hội. Còn ông Nguyễn Ngọc Xuân bị đổi đi năm 1970, vì cùng một số người thưa gửi ông Huệ, nay ông Huệ rời khỏi Trường mới được trở về, nhưng thật là không may, vài tháng sau ông Xuân cùng tài xế đi thăm đồn điền ở Buôn Hô, bị Fulro chận đường, ông Xuân cãi cọ chi đó, họ đã sát hại ông Xuân, giá mà anh dằn cơn nóng giận, giá mà anh chưa vội thuyên chuyển, chắc sẽ tai qua nạn khỏi.

Khi từ Nha Trang trở về, tin bất ngờ cho tôi là ông Phạm Văn Tài, Hiệu trưởng Trường đã nhận nhiệm sở mới ở Nha Học Chánh vừa mới thành lập. Ông Tài mời tôi vào văn phòng và yêu cầu tôi nhận đề nghị làm Hiệu trưởng thay thế ông theo như ước muốn của một số anh em giáo sư Trường.

Tôi đã từ chối mấy nơi, nay với ông Tài, tôi dụng kế hoãn binh xin để cho tôi 3 ngày suy nghĩ, về nhà trong buổi cơm chiều, tôi hỏi ý kiến nhà tôi:

- Ông Tài đề nghị anh làm Hiệu Trưởng, em có ý kiến chi không?

Con gái lớn của tôi năm đó 6 tuổi, nhanh miệng đưa ý kiến:

- Nhận đi cha! Con thấy ông Hiệu Trưởng trường Bàn Cờ, không có làm chi, chỉ có đi tới đi lui trong sân trường mà thôi!

Cũng như trước đó, khi con gái út của tôi vừa mới chào đời, tôi hỏi các con:

- Các con muốn đặt em bé tên chi?

Con gái lớn tôi, năm đó lên 5 trả lời:

- Đặt tên Kim Ngọc đi!

- Tại sao vậy?

- Tại vì Kim Ngọc diễn có duyên, nên con thích đặt tên cho em bé.

Ba ngày sau tôi trả lời cho ông Tài, tôi đồng ý.

Trong khi đó, Nha Kỹ thuật đang giải thể, có hôm tôi đi ngang phòng Chánh Thanh Tra Văn Văn Đây, từ cửa sổ nhìn ra thấy tôi vốn là Hội Viên Hợp Tác Xã Kiến thiết Cư xá Kỹ thuật, do ông làm Chủ tịch, nên ông chào đùa:

- Chào ông Xử lý!

Tôi đoán biết do Nha Kỹ thuật đang giải thể, nên đề cử tôi làm Xử lý Hiệu trưởng, để cho Nha Học Chánh dễ cử người chính thức, nhưng vài hôm sau đó, ông Tài báo cho tôi biết chuẩn bị bàn giao sớm, để cho ông rảnh rang chu toàn nhiệm vụ mới.

Ông Lưu Minh Tuấn, em họ của ông Lưu Luân Trọng, chú của Lưu Bá Đại đề nghị và đưa tôi đến nhà thầy Nguyễn Khánh Nhuần, nhờ thầy xem ngày bàn giao. Lễ bàn giao cấp tốc diễn ra sau đó, tại phòng họp của Trường có các ông Trần Ngọc Thái, Giám đốc Nha, ông Nguyễn Hữu Tỵ Chánh Sự vụ Sở, ông Lê Văn Kiệt Chủ sự phòng của Nha Học Chánh Sàigòn chủ tọa và tham dự.

TruongNTT 05Giám đốc Trần Ngọc Thái, Lê Văn Kiệt, Phạm Văn Tài

Ông Phạm Văn Tài mới làm Hiệu Trưởng chừng hơn 1 năm, vì tánh tình ông ngay thẳng, nên ông được cất nhắc lên chức Chủ sự phòng, nhưng cũng có thể người ta không ưa ông nên nhân dịp đưa ông đi. Ông Tài tâm sự cho tôi biết, ông không lầm lỗi gì sao lại bị thuyên chuyển, nên đã gặp trực tiếp khiếu nại với Thứ Trưởng Nguyễn Thanh Liêm, ông Thứ Trưởng cho biết vì ông Tổng trưởng đã ký Nghị định, ông Tài nên thi hành, ông Thứ Trưởng hứa dành cho ông Tài được phép đề cử người thay thế, sau 1 năm, ông Tài muốn đổi đi bất cứ nơi nào trong phạm vi giáo dục, ông Thứ Trưởng sẽ cho thỏa mãn, nên ông Tài quả quyết, tôi nhận lời ông Tài đề cử đương nhiên Bộ chấp thuận.

Trong năm học đó, dưới đường lối chủ trương của ông Tài, Trường mở thêm 1 lớp Họa viên Kiến Trúc, theo tôi biết ông Tài có theo Học Đại học Kiến trúc và 1 lớp Thương Mại, do lớp Thương Mại nầy trường có chừng 10, 15 nữ sinh theo học chung với nam sinh. Do đó, Trường có giáo sư Lê Văn Giệp là Kiến Trúc Sư mới ra Trường và Nguyễn Hữu Vĩnh tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật Ban Thương Mại.

Các lớp học sinh có 5 lớp 11, 5 lớp 10 Kỹ thuật, 1 lớp 10 Họa viên Kiến trúc, 1 lớp 10 Thương Mại, 2 lớp 9 và 2 lớp 8 kỹ thuật, 2 lớp Sinh công 1 và 2. Tổng số học sinh trên dưới 500. Giáo sư và nhân viên Trường khoảng 85 người, không kể giáo sư dạy giờ có Huỳnh Đạt, Nguyễn Minh Quân, Lý Trương Quang, Lê Tấn Hóa, Nguyễn Văn Quyền, Nguyễn Hữu Hồng.

Trường có 9 phòng học, Văn phòng, Phòng học vụ, Thư viện. Nha vừa mới cơi lầu xây thêm 1 tầng, được ngăn thành 2 lớp dạy Kỹ nghệ họa. Xưởng có Máy Dụng Cụ, Cơ khí Ô-tô, Gò Rèn Hàn, Kỹ nghệ Gỗ, Điện và Xưởng Nguội.

Trường có 2 em học sinh là Lê Quốc Nam con của Chuẩn Tướng Lê Quang Lưỡng Tư Lệnh Binh chủng Nhảy Dù, em Trần Thiện Toàn con của Thiếu Tướng Trần Bá Di Chỉ huy trưởng Trung Tâm Huấn luyện Quan Trung. Tướng Trần Bá Di có vào thăm Trường một lần với tư cách cá nhân. Còn Tướng Lưỡng không có đến thăm trường lần nào, nhưng mỗi lần ông từ miền Trung về Sàigòn, đều có mời chúng tôi đi ăn ở Đại La Thiên trong Chợ Lớn hay Đệ Nhất Khách Sạn ở Tân Sơn Nhất, do Thiếu Tá Trực tiếp đãi, và có lời xin lỗi vì ông Tướng bận, nên không thể đến được.

TruongNTT 06Ô. Phạm Văn Sự, Phạm Văn Tài và Nguyễn Văn Phấn

Trường có Thiếu tá Phạm Văn Sự, Chỉ huy Phó trung tâm yểm trợ Gia Định làm Hội trưởng Hội Phụ huynh Học sinh và Giáo sư, ông là đàn anh của tôi trong ngành Quân Cụ, đôi khi ông mời đi ăn, lần sau cùng khoảng 25 tháng 4 năm 1975, tại một quán ăn trên đường Nguyễn Du xế cổng vườn Tao Đàn, lần đó ông cho biết trong kho của đơn vị ông, để yểm trợ các đơn vị pháo phòng thủ Sàigòn, chỉ cấp phát đủ cấp số bắn trong vòng 30 phút. Sau năm 1975, nghe ông đi học tập cải tạo, được về rồi, tôi tưởng sau nầy ông đã đi Mỹ, không ngờ trong khi dự Họp mặt truyền thống cựu học sinh NTT-PĐP, gặp em Phạm Việt Hùng, hỏi thăm thân phụ của em, Hùng cho biết: “Thưa Thầy, Ba em không có đi Mỹ, mới mất năm rồi!”. Tôi nghe lòng buồn quá, bạc tình quá vì bao nhiêu năm ông sống ở Sàigòn, tôi về lại nhưng không có một lần thăm viếng ông!

Trong Hội Phụ Huynh có Trọng tài quốc tế Đậu Văn Dzu, hình như là Cố vấn, nên ông can thiệp cho Cao Công Bình là cầu thủ được tuyển đi Manila để dự giải Bóng Tròn của Học sinh, sinh viên Á Châu. Mấy năm trước đây, tôi được biết tin Bình đã mất trong khi đi du lịch ở Phú Quốc. Trọng tài Dzu là thân phụ của học sinh Đậu Văn Duy, sau 1975 Duy có thuê phòng học của Trường để mở lớp luyện thi Đại học.

Không biết là Trung Học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ dạy học và kỷ luật có tốt hay không mà chính Lê Cẩm Tú, con của Tổng Giám Thị Cao Thắng Lê Văn Thống, đã học những năm đầu ở Nguyễn Trường Tộ, sau lên Đệ Nhị Cấp mới chuyển về Cao Thắng, nay là Bác sĩ làm việc tại công ty thực phẩm Vissan, còn có Bùi Huy Hảo, cựu học sinh lớp Thương Mại sau theo học Y khoa, nay là Bác sĩ phục vụ tại Khoa thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115, số 520 Nguyễn Tri Phương, Quận 10, vốn là cơ sở của Trường Quân Y trước năm 1975.

Vì cơ sở vật chất không đầy đủ, học sinh ít nhưng cũng có một số thành đạt đáng kể, chẳng hạn như Lê Thanh Bảo Đức, có bằng Tiến sĩ chẳng may khi đi dự họp mặt với các cựu học sinh NTT bị tai nạn đã mất khoảng 20 năm trước.

Tại Tp. HCM ngoài Lê Thanh Bảo Đức, Lê Cẩm Tú, Bùi Huy Hảo còn có Lê Hoài Quốc hiện nay là Trưởng Ban Công Nghệ Cao của Thành phố. Ở California có Ngô Đình Học, CHS Nguyễn Trường Tộ có bằng PhD là một trong những người từ năm 1991, đã tham gia góp phần sáng tạo bộ gõ chữ Việt WinVNKey, để gõ chữ Việt, Hán, Nôm, Pali…, riêng Học là một trong ít người vẫn còn quan tâm, cải tiến cho đến ngày nay.

Năm 1981, đang làm việc cho Phân Viện Thiết Kế, thuộc Sở Công Nghiệp Tp. HCM. Một hôm tôi được Ban Giám Đốc mời họp, vì cả Sở và Phân Viện cùng nằm chung trong tòa Building của Cư xá Brink. Giám Đốc Lê Thành Phụng nói:

- Chúng tôi đã quyết định đưa anh về làm Hiệu Trưởng Trường của Sở. Anh có ý kiến chi không?

Thật là bất ngờ, tôi không hề nghĩ có ngày trở lại Trường, vì từ khi đi Học tập cải tạo về, anh Nguyễn Văn Phấn Trưởng Phòng Giáo Vụ Trường Trung Học Kỹ thuật Tp HCM, trước 1975 anh là Giám Học đã nói với tôi:

- Trường ngày nay khó khăn lắm, anh nên tìm việc nơi khác mà làm tốt hơn.

Mặc dù tôi muốn trở lại Trường, đi dạy học, nhưng theo lời khuyên anh Phấn, tôi nghĩ là không nên trở lại, dù rằng tôi không hề có sự thù oán nào với giáo sư và nhân viên của Trường.

Nhạc gia tôi biết, tôi không trở lại trường cũ, bảo tôi làm Phiếu Lý lịch và điền đơn xin việc làm đưa cho ông, hai ngày sau tôi được giấy gọi đi làm ở Sở Lao Động Thành phố. Sau tôi mới biết, nhạc mẫu của tôi với ông Kiến Trúc Sư Nguyễn Hữu Thiện, người chủ trì đồ án thiết kế Thư viện Quốc Gia ở đường Gia Long, nay là Thư viện Khoa học xã hội trên đường Lý Tự Trọng, hai người là chị em chú bác, ông Thiện có con tử trận được tuyên dương là Liệt sĩ, hơn nữa vào Tết Mậu Thân đáng lý ông ra mật khu, nhưng không hiểu sao phải ở lại, khi Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tuyên bố thành phần Chánh phủ, ông có tên làm Bộ Trưởng, nên bị mật vụ bắt giam một thời gian, nay ông làm Phó Giám Đốc Sở Xây dựng thành phố, ông đưa hồ sơ của tôi cho ông Lâm Tấn Lộc, Chánh văn phòng Sở Lao Động, nên tôi được gọi đi làm ngày 10-10-1977, sau khi ra trại chưa đầy 1 tháng.

Về sau, vì vụ Trung Quốc tấn công Việt Nam ở các tỉnh Miền Bắc năm 1979, những người Hoa bị cho thôi việc, những người có họ gần với người Hoa cũng bị cho về hưu hay nghỉ sớm, tại Sở Lao Động Lâm Văn Sáu, Giám Đốc Sở, Tư Kiên Phó Giám Đốc, Lâm Tấn Lộc, vợ Tư Kiên là Hiệu phó Trường Lao Động Tiền Lương trên đường Đinh Tiên Hoàng ngang Sân Vận Động Hoa Lư đều bị cho nghỉ việc, có bà Sáu Chương gốc ở cục R về Sở là Trưởng phòng Tổ chức nói với mấy anh em Học tập cải tạo về làm tại Sở, có anh Khánh phòng Đào tạo, anh Tâm Kỹ sư Điện du học ở Úc cùng làm chung phòng Thanh Tra An Toàn với tôi:

- Các anh thuộc chế độ cũ, Sở Lao Động là nơi thi hành chánh sách của Nhà nước, không thích hợp với các anh, Sở sẽ liên hệ và đưa các anh đi đến cơ quan chuyên môn của các anh.

Tôi không nhớ Khánh được đưa đi đâu, Tâm đưa về Công ty Điện lực ở Đường Hai Bà Trưng, tôi ngày 1-9-1978 được phân về Phân viện Thiết kế thuộc Sở Công Nghiệp, cơ quan là tiệm vàng ngày trước ở ngay tại Chợ Cũ, sau dời về chung với Sở Công Nghiệp.

Vì Giám Đốc sở hỏi, tôi mới phát biểu yêu cầu của mình:

- Nếu Trường gặp khó khăn cần đến tôi, tôi xin đi chừng 6 tháng cố gắng làm xong việc, trường ổn định, xin cho tôi về lại Phân viện Thiết kế.

Sáu Phụng cười nói:

- Anh như nàng Kiều, luân lạc một thời gian, nay trở về gặp người xưa, cảnh cũ có khi anh xin ở lại luôn.

Giám Đốc Sở đã quyết, tôi phải thi hành, khi tan họp, Phân viện trưởng mời tôi vào văn phòng anh nói:

- Anh Sáu Phụng là Giám Đốc đã quyết định, thôi thì anh cứ đi, tôi hứa sẽ tìm cách kéo anh về sau.

Thế là ngày 21-9-1981, tôi bàn giao cho người khác và đến làm việc ở Trường Kỹ Thuật Công Nghiệp Tp. HCM, mấy tháng sau lại sáp nhập Trường Nghiệp vụ vào, đổi tên thành Trường Kỹ thuật Nghiệp vụ Tp. HCM.

Tôi về Trường thì ông Nguyễn Văn Phấn, Phạm Văn Tài, Lê Kim Nghĩa nguyên Hiệu trưởng Trường Kỹ Thuật Kiến Phong đã nghỉ rồi, ông Phan Kim Báu nguyên Hiệu trưởng, ông Lâm Văn Trân nguyên Giám Xưởng, ông Trần Văn Sáng nguyên Tổng Giám thị vẫn còn dạy học ở Trường. Không lâu sau đó, ông Lâm Văn Trân bị tai nạn giao thông mất, làm đám tang ở Chùa Ấn Quang. Dịp nầy gặp lại ông Phấn, tôi nghĩ do ông Nguyễn Hữu Quang, Hiệu trưởng vừa mới bị bãi nhiệm, đã quá khó khăn với các giáo chức nên ông Phấn nghỉ, gặp nhau, tôi đề nghị anh trở lại trường, anh cho biết: “Đã trễ rồi!”. Lúc đó tôi chưa hiểu, sau nầy mới vỡ lẽ ra, là anh mua ghe, mượn cớ chở hàng hóa đi sông đi biển để vượt biên và anh đã thành công.

Vài tháng sau, ông Phan Kim Báu về hưu, nhà Trường có làm tiệc tiễn ông tại Câu Lạc Bộ của Trường.

Một số giáo sư như anh Khưu Văn Triệu, Trưởng phòng Học vụ xin thuyên chuyển đi làm Quản lý khách sạn, anh Võ Văn Khéo xin chuyển sang xí nghiệp Cầu Tre, anh Trần Văn Sáng xin chuyển sang một công ty xuất nhập khẩu làm tài xế, trước kia ông Quang không chấp thuận, đến chúng tôi chủ trương ai muốn chuyển công tác Ban Giám Hiệu nên chấp thuận, thế là các anh ấy ra đi.

Thời bao cấp đó, đời sống quá khó khăn, nhà giáo phải làm tay phải thêm tay trái đủ ngành nghề mới sống được. Ai có lương tâm, tận tâm với nghề giáo phải sống hẩm hiu. Tôi thấy vài anh giáo sư bạn ngày xưa, nay dạy phất phơ quá, hỏi: “Sao anh không nhiệt tâm một chút!” Anh ta nhìn tôi, thương hại đáp:

- Anh không biết, ngành giáo dục ngày nay muốn học sinh dở, dạy cho chúng khá, học sinh khá, dạy cho chúng giỏi, học sinh giỏi, dạy cho chúng giỏi hơn, đạt tới xuất sắc! Ai cũng có thể làm được, nhưng học trò đạt được kết quả ấy rồi, người thầy được bia đá đề tên, nằm yên ngoài nghĩa địa, vì làm việc cật lực mà ăn không đủ no, đau có thần dược trị bá bệnh “Xuyên tâm liên”! Cho nên học sinh giỏi dở gì cũng cho điểm như nhau, thi đua giỏi hết 95%, đừng có 100% trở nên lộ liễu quá.

Từ đó, tôi hiểu mình phải rời khỏi Trường càng sớm càng tốt, bởi vì mình quá lạc hậu, lương tâm mình không cho phép. Nên ngày 1-1-1983, tôi được trở về cơ quan cũ, tôi vừa vui vừa buồn, vui vì được thoát khỏi việc làm trái tai, gai mắt, buồn vì nghĩ rằng mình sẽ mãi mãi xa bảng đen phấn trắng. Khi dạy học, trên bảng đen tôi cố gắng vẽ vòng tròn cho thật tròn, đường thẳng cho thật thẳng nhưng tôi chưa làm được, trừ khi tôi vẽ với cái compas và dùng cây thước kẻ.

Từ khi tôi trở về Trường làm Hiệu phó cho đến khi tôi nghỉ, tôi có một điều thắc mắc lớn đeo đuổi: “Ông Lê Thành Phụng, Giám Đốc Sở Công nghiệp, khi đó làm gì biết tôi, tôi chỉ là anh nhân viên quèn của một cơ sở thuộc Sở, tôi cũng không có giao thiệp gì với ai thuộc Sở, vậy ai biết mà đề nghị tôi?” Phải trên 30 năm sau, anh Vũ Duy Thuận mới nói với tôi, ngoài ông Phan Kim Báu thì không có ai có khả năng, uy tín đề nghị tôi về lại Trường.

Tôi nhớ lại, khi tiễn ông Báu về hưu, tôi cầm ly bia tươi đến bên ông Báu nói:

- Thưa thầy, thầy vốn là Hiệu trưởng của tôi, nay thầy về hưu, chúc thầy được nhiều sức khỏe, an dưỡng tuổi già, kính mời thầy cạn ly.

Ông Báu đáp lời:

- Tôi cũng chúc thầy, nhiều sức khỏe để làm việc và luôn giúp đỡ anh em!

Kể từ đó, tôi không còn gặp ông Phan Kim Báu nữa, con ông Phan Kim Dũng có học với tôi, từ lâu tôi không gặp lại nên không biết về ông Phan Kim Báu, nhưng chắc ông đã an nghỉ lâu rồi.

Ngày nay, Trường xây lại khang trang, mặc dù có một phần chưa hoàn tất, Trường khá lớn, nhưng chỉ có khoảng 500 học sinh, bởi vì ngày nay người ta thích học Đại học hoặc những Trường có liên thông Đại học, để sau khi tốt nghiệp được học thêm, là nhu cầu chánh đáng theo xu thế xã hội ngày nay, mặc dù nhiều người tốt nghiệp Đại học bị thất nghiệp, vì nhiều người có bằng nhưng nhu cầu không có. Trong khi đó, thợ chuyên môn có tay nghề thì lại hiếm.

TruongNTT 07Mô hình Cao Đẳng Nghề Nguyễn Trường Tộ góc đường Tự Đức – Mai Thị Lựu

Hàng năm tôi về Việt Nam thăm gia đình, được các cựu học sinh mời dự ngày Họp mặt truyền thống, nhằm vinh danh Thầy, Cô giáo để tỏ bày tỏ lòng biết ơn của họ, làm cho tôi có mối dây liên lạc và thâm tình với Trường nầy nhiều hơn những Trường khác.

 

Hết

 

 

Bạn không có quyền bình luận.