Sau bức màn nhung của hoạt cảnh ”Ngày Trở Về”
Đại Hội kỷ niệm Đệ tứ chu niên LTKT VN/UC 23/11/2012

 

Những tràng pháo tay giòn giã của quan khách đã chấm dứt hoạt cảnh “Ngày trở về” do các cựu giáo sư và cựu sinh viên, học sinh LTKTVN/ÚC CHÂU trình diễn trong ngày Đại Hội kỷ niệm Đệ tứ chu niên. Mọi thành viên Kỹ thuật có mặt hôm đó đều hết sức vui mừng. Riêng ban văn nghệ “ngang hông” của chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Vậy là không uổng công sức của 31 anh chị em chúng tôi tập luyện trong gần 2 tháng.

Đề tài của hoạt cảnh “Ngày trở về” là do ý kiến của anh Huyện, phó hội trưởng nội vụ: Người Việt hải ngoại trở về quê hương với tự do, dân chủ và nhân quyền. Nhạc cảnh gồm 3 bản nhạc: Vua Quang Trung của Hoàng Thi Thơ, Việt Nam tôi đâu của Việt Khang và Việt Nam quê hương ngạo nghễ của Nguyễn Đức Quang được chiếu slide show do anh Thảo phụ trách, anh Tân lo ánh sáng, anh Điệp coi âm thanh với phần phụ diễn trên sân khấu cuả 27 diễn viên. Bây giờ nghĩ lại, chúng tôi cũng không hiểu làm thế nào mà hoạt cảnh của chúng tôi lại được nhiều người khen ngợi như vậy!

HoatCanhNgayTroVe-KetThucMàn kết thúc Hoạt cảnh "Ngày Trở Về"

Anh tổng thư ký Phấn, theo tôi nghĩ là người rất yêu thích nhạc và kịch, đã tân tâm, tận sức nhận lãnh chức đạo diễn: phân cảnh, chọn vai và luyện tập cho đám diễn viên chúng tôi, những người có tuổi mà chưa có tên, nghe trước quên sau, ngoài 2 ông bà già ham vui, số còn lại cũng trên dưới 60 (trên 60 thì nhiều, dưới 60 chỉ có một, hai người). Chúng tôi chỉ có 5 lần tập dợt trong 5 ngày Chủ nhựt và 1 lần tổng dợt trước ngày đại hội mà thôi. Một điều hết sức may mắn là Thầy Cô Liêng Khắc Văn đã cho Hội mượn sân cỏ của Trại Hoa Vàng làm điạ điểm tập dợt. Có ngày Thầy còn nấu thức ăn bồi dưỡng cho cả đoàn ”nghệ sĩ“ nữa. Mỗi buổi tập, anh chị Thảo phải chở dàn âm thanh từ nhà mình tới, có sự phụ giúp của anh Long, phó nội vụ và thầy Oanh, hội trưởng. Cánh đàn bà cùng cô Trâm, chị Thảo và cô Long lo phần ẩm thực. Anh Thảo đã cùng các bạn làm 1 chiếc ghe vượt biên dài 4 mét bằng cạt tông dầy, sơn màu xanh nước biển có các lượn sóng bạc hai bên thành ghe, 1 tấm màn có vẽ lá cờ vàng 3 sọc đỏ ôm bản đồ Việt Nam, 1 bảng SOS, 1 bảng logo của Kỹ Thuật, 6 tấm bảng bằng mốp trắng, mỗi tấm có chữ màu xanh: Ngày, Trở, Về, Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền. Anh Long mượn được 1 cái trống lớn, 2 lá cờ VN, 2 lá cờ Úc, còn 6 lá cờ nhỏ hơn: Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Na Uy, Thụy Điển thì phải đặt mua.

SauBucManNhung05Tập hoạt cảnh tại Trại Hoa Vàng

SauBucManNhung09...dưới trời nắng chang chang

Mọi trang bị đã tạm đủ, chỉ còn lo tập dợt và tìm y trang thích hợp cho các vai diễn. Hoạt cảnh cần 42 vai diễn mà khó khăn lắm chúng tôi mới kêu gọi được 27 người bằng lòng tham gia, lý do cũng dễ hiểu: các bạn e dè vì chưa bao giờ lên sân khấu, vì bận gia đình, vì đi làm. Như vậy trong 27 người này có 15 người mà mỗi người phải diễn 2 vai. Khi bắt đầu tập dợt, trở ngại lớn nhứt là giờ giấc, đã qui định chung là bắt đầu từ 10 giờ sáng để tránh nắng, mà có khi gần 12 giờ trưa mới bắt đầu được, lúc đó trời đã nóng rồi, mọi người chỉ tập được hai, ba lần là đã mệt quá, không chịu nổi nữa, phải chạy vô trong ngồi nghỉ, uống nước hoặc ăn trưa, lúc trở ra thì đã 2,3 giờ chiều, chỉ tập được một, hai lần rồi cũng phải nghỉ vi nóng quá. Những buổi tập trong các tuần đầu sao chậm chạp và thấy nản quá vì chưa tìm đủ số diễn viên, kẻ vắng mặt, người chưa tới... Khoảng giữa sân cỏ, anh đạo diễn đã chận 1 cáí ghế để làm ranh giới của sân khấu và cắm 1 lá cờ VN ở đầu sân gần cửa vô nhà bếp để tượng trưng cho đường về nước VN. Anh đạo diễn đã nhiều lần giải thích để cho mọi người biết những vị trí nầy tương ứng với những chỗ nào trên sân khấu thật sẽ diễn. Anh cũng nói đi nói lại nhiều lần cho chúng tôi biết lúc nào thì bắt đầu và chấm dứt vai diễn của mình, vậy mà người già thì chưa nhớ, người trẻ thì mãi vui chuyện không chú ý, ngay cả chính anh có khi cũng lẫn lộn. Gần tới ngày Đại Hội, anh Tâm “Hoàng Đế” (từng đóng vai võ tướng trong hoạt cảnh Hội Nghị Diên Hồng năm 2011) cho biết không thể về kịp để nhận vai vua Quang Trung, ban chấp hành khá lúng túng. Cô Phượng sẵn lòng nhận vai nầy và đã hết sức cố gắng để thể hiện sự đĩnh đạc oai phong của vị anh hùng áo vải đất Lam Sơn, cũng khá, không thể đòi hỏi gì hơn ở cô, một sớm một chiều mà hóa thân thành cô Bảy Phùng Há vang danh năm xưa. Lúc đầu chỉ có một quân sĩ cầm cờ hiệu theo sau vua Quang Trung, Hùng giữ vai nầy, chỉ trong chốc lát, Hùng đã múa cờ rất đẹp. Sau đó vài tuần, có 3 anh Huyện, Lộc và Tùng thêm vô đội cờ cho rậm đám. Hai anh kép độc Minh Tâm: Tôn Sĩ Nghị, Anh Tuấn: Sầm Nghi Đống với áo mão cân đai gọn gàng nhảy xuống ngựa, ngả nghiêng với bầu rượu nóng, rượt đuổi, níu kéo 2 nàng Dung, Yến xinh đẹp trong áo tứ thân của kinh thành Thăng Long. Bốn vai nầy đóng rất đạt vì họ thật sự là 2 cặp vợ chồng, và nếu nhìn kỹ thì sẽ thấy anh nầy không dám nắm vai chị kia, đó là luật bất thành văn!!!

SauBucManNhung01Hai kép độc Minh Tâm: Tôn Sĩ Nghị, Anh Tuấn: Sầm Nghi Đống trong ngày tập

 

SauBucManNhung01a... và trên sân khấu

Khán giả cũng rất thích thú với cảnh kéo tàu vượt biên trong đêm tối của thầy cố vấn Phấn và Hiển. Tới điểm hẹn, hai thầy trò nhìn trước sau, chớp đèn để khách trong bờ: Nguyệt, Trâm với cháu ngoại trai tên Lachlan và Điệp lom khom đi ra. Đối với thầy Phấn thì vai nầy dễ như “ăn cơm sườn” vì ông gìà Ba Tri này đã từng chạy tàu đò đưa rước khách và là chủ của con tàu vượt biên PB707, nhưng cháu bé mới là diễn viên thần đồng xuất sắc của họat cảnh nầy. Cháu chưa đầy 3 tuổi, chắc chắn cháu không hiểu là mình đang đóng kịch, cháu chỉ biết mình được bà ngoại dẫn đi chơi trên tàu, cháu không sợ khi đèn tắt, không sợ khi đông người. Hôm tổng dợt, cháu được mẹ mang vào để thử vai, cháu thích quá, nói vớí bà ngoại: ”Con muốn đi nữa. Let  go!”. Hôm sau, trong lúc hai bà cháu leo lên ”cá lớn”, vì có thêm anh “canh me” Điệp nên ghe nặng và chật quá,   bà ngoại Trâm ôm xốc cháu lên nhưng cháu vùng ra và khóc ré lên, một tay vịn chặt thành tàu, một tay giơ cao bản SOS vì muốn tự mình đi chứ không chịu bồng. Khán giả nghe tiếng khóc lại tưởng nó bị ngắt cho khóc để thêm kịch tính như trong các tuồng cải lương hay kịch nghệ thường làm. Thật là một cháu bé thông minh, dạn dĩ, đáng cưng quá.

SauBucManNhung04Tập cảnh kéo tàu vượt biên

 

SauBucManNhung04aTrình diễn kéo tàu vượt biên

SauBucManNhung07Đợi lên tàu vượt biên


Màn công an đàn áp dân nghèo đã làm cho khán giả xúc động, nhớ tới những thảm họa đau buồn đang diễn ra trên đất nước VN. Lại cũng 2 kép độc Tuấn, Tâm trong vai công an, thẳng tay đánh đập xua đuổi các bạn hàng rong: chị Thảo, Hiệp, Trinh, Hòa (vợ Hiệp) và cô Long. Cô Trinh đã chu đáo dùng tiền Úc mua tiền mã (tiền giả bằng giấy để đốt cúng người chết), rồi chia cho các bạn để mua bán với nhau. Thúng mủng, trái cây bị đá văng tung tóe. Anh nông dân Long đang cuốc đất, cũng bị công an tới cắm bảng “đất qui hoạch”  xô té nhào, nện dùi cui tới tấp trên lưng. Buồn cười nhất là trong lúc tập dợt cho màn nầy, nhiều lần các anh chị quá hăng say trong diễn xuất, quên mất đã tới lúc chấm dứt vai diễn, hai bên cứ say sưa đàn áp và chống trả, đạo diễn phải nhiều lần nhắc nhở: ”oan khiên, oan khiên, chạy vô, chạy vô” (ý anh nhắc đã tới 2 chữ “oan khiên”rồi, phải chạy vô trong!). Cũng có khi tinh thần đoàn kết của các chị quá cao, tích cực bảo vệ anh nông dân, hè nhau tấn công 2 công an tơi bời, khiến tạo hiệu ứng ngược: công an hay dân nghèo, ai bị ai đàn áp?

Trong một buổi tập ở nhà anh Trường, thấy anh đạo diễn đang bận rộn hướng dẫn cô Phượng múa gươm dưới trời nắng chang chang, tôi đã sắp xếp đội hình cho 10 anh chị em cầm cờ sau khi hội ý với ông hội trưởng: 2 lá cờ VN ở chính giữa, mỗi bên có 1 lá cờ Úc và 3 lá cờ nhỏ của các nước còn lại . Cờ có 10 lá, bảng chỉ có 6 tấm, cả 2 đội đều có số đơn vị chẵn. Khi xếp hàng ngang: hàng bảng đứng trước, hàng cờ đứng sau, muốn hàng bảng không che lấp hàng cờ thì hàng bảng phải có số đơn vị lẻ là 7, vì vậy tôi đã đề nghị thêm 1 người cầm bảng có logo Kỹ Thuật đứng giữa 6 người cầm bảng, để cho 2 đội cân xứng và luôn tiện “quảng cáo“ kỹ thuật một chút. Đội cầm bảng chỉ cần bước theo nhịp nhạc, giơ cao bảng khỏi đầu, khi nào đứng lại thì vẫn nhịp chân và hạ bảng xuống dưới càm. Đội cờ thì hơi khó tập một chút vì khổ cờ không bằng nhau: 4 lá cờ lớn, 6 lá cờ nhỏ. Khi đứng hàng ngang, phải phất cờ từ trái sang phải cùng một chiều cho thật đều, mà muốn cho thật đều thì phải dòm và làm theo ông “leader” Phấn, nếu ổng phất sai thì cũng cứ phất sai theo ổng. Anh đạo diễn đã  “ra lịnh” như vậy!!! Hai đội cờ và bảng tập cũng khá nhanh, lúc đầu chưa quen, có khi khởi sự hơi sớm hoặc hơi trễ, có khi đánh vòng quá lớn hay quá nhỏ nên trở về vị trí không khớp với nhạc. Tuy vậy, sau đó anh đạo diễn vừa ý lắm, khen 2 đội khi đi vòng quanh sân đã tạo được hình cong chữ S, mà thật vậy, dẫn đầu đội cờ là cô Oanh, dáng tầm thước, bước chững chạc, theo sau là cô Long, cô Hòa, cô Mẫn và anh Tùng cùng thầy Phấn, Hiển, Dung, Yến và Nguyệt (Cần Thơ). Nhóm cầm bảng thì có chị Thảo chân bước nhịp nhàng cùng Trinh, Hiệp, Nguyệt (Hiển),Trâm, một “hoa lạc giữa rừng gươm” (1) là anh Huyện và cô Phấn cầm bảng logo Kỹ Thuật. Tất cả nhìn về phía trước, cờ giương cao, chân nhịp nhàng, có lẽ nhờ anh đạo diễn nhắc nhở: ”thẳng lưng, ngửng cao đầu, mặt vui lên, nhớ đi hai hàng, ủa, xin lỗi, hàng hai”. Một tràng cười nổi lên, chúng tôi quên hết mệt nhọc.

SauBucManNhung03Tập cảnh múa cờ

SauBucManNhung02Tập cảnh múa cờ

 

SauBucManNhung03a... và trên sân khấu

Ngày tổng dợt, tất cả mọi người tới đầy đủ và khá đúng giờ. Đây là buổi tập cuối cùng, tất cả mọi thứ cần thiết đã đầy đủ, sẵn sàng, 10 lá cờ, 7 tấm bảng được để vào chỗ nhứt định. Nơi chúng tôi trình diễn là từ sàn nhảy kéo dài tới gần cửa sau của hội trường, chỗ  tấm màn có hình lá cờ vàng và bản đồ VN hình cong chữ S. Như vậy, phần mặt bằng nầy cũng tương đương với khoảng sân cỏ ở trại Hoa Vàng mà anh đạo diễn đã phỏng chừng, mà nó còn có lằn ranh rõ ràng nên rất dễ cho các diễn viên. Chúng tôi rất cần sự góp ý của các bạn ngồi xem bên ngoài. Điều lo ngại nhứt của chúng tôi là các anh chị em đóng 2 vai, có đủ thời giờ để  thay quần áo hay không? Nhưng nhờ có cô Trúc Quân chỉ dẫn, mọi người cũng làm được. Có người vừa xong vai đầu, chạy “u” vô phòng thay đồ, có người, áo sơ mi ngoài chỉ cài 2 nút, có người mặc luôn 2 bộ quần áo trên người, Tuấn, Tâm thì bộ công an bên trong, bộ tướng Tàu bên ngoài, nào cân đai, áo mão, xà cạp... nhiều thứ quá, phải có người giúp. Màn mở đầu thật lôi cuốn nhờ sáng kiến quá hay của cô Trúc Quân: Vua Quang Trung, gươm tuốt trần, đứng giữa 2 hàng quân đang giơ cao các ngọn cờ đào, sẵn sàng chờ lệnh trong khi khán thính giả đang lắng nghe lời giới thiệu. Tuy chưa thuần thục lắm các động tác mà cô Trúc Quân vừa mới chỉ dẫn nhưng 4 ông tướng đã cố gắng làm tròn vai. Trong màn đàn áp dân nghèo thì 2 anh công an vẫn còn khá mạnh tay, nện dùi cui bốp bốp, xô đẩy làm các chị té lăn quay, kéo lê anh nông dân trên sàn diễn, phía người dự khán có tiếng kêu lên: nhẹ nhẹ tay môt tị, ai can you!!! Tôi và thầy Oanh cứ đọc đi đọc lại lời giới thiệu, tôi đọc phần đầu và phần cuối, thầy Oanh đọc phần giữa, cũng hơi mệt, có bạn sợ tôi bị khan cổ. Tôi là người viết bài này nên đã cùng với Thầy Oanh dễ dàng chuyển tải hết tình và ý của nó vào hoạt cảnh để làm thức dậy trong khán thính giả những ưu tư của người Việt hải ngoại trước hiện tính đất nước. Năm nay may mắn lắm vì đây là lần đầu tiên thầy Oanh tham gia ban “văn nghệ“ dù rất bận rộn trong việc sắp đặt tổ chức đại hội. Buổi tổng dợt kéo dài khoảng 3 giờ, mọi người rất phấn khởi vì các diễn viên đã khá thuần thục, đạo diễn không phải nhắc nhiều nữa.


Phần y trang và đạo cụ cũng lắm công phu. Hai tướng Tàu không thể uống ruợu bằng chén, ly hay tách mà phải là bầu rượu bằng bao tử trừu (hay dê?) cho đúng kiểu du mục Mãn Thanh, nên bầu rượu của 2 ông tướng Tuấn, Tâm được may bằng vải màu nâu, không có rượu nóng bên trong mà chỉ có giấy vụn và sỏi, cổ bầu rượu được lót bằng nòng cạt tông của toilet roll (sorry!!!). Hai bầu rượu nầy là sản phẩm độc nhứt do tôi chế tạo riêng theo đơn đặt hàng của Liên Trường Kỹ Thuật. Áo vàng của công an, áo bà ba của bạn hàng rong, bộ đồ vải đen vá nhiều chỗ, áo dài xanh đồng phục, cà vạt có logo Kỹ Thuật, áo tứ thân, 2 bộ cho tướng Tàu cũng dễ tìm, chỉ có trang phục cho vai vua Quang Trung là phải lo nhiều. Vua Quang Trung không thể mặc y phục của Tàu, không thể mặc triều phục đi đánh giặc. Sau nhiều lần đi mượn mà không có, cô Trúc Quân đã lục lọi dưới hầm nhà, tìm được nhiều mảnh rời rồi kết lại thành áo bào cho vua, cũng khá đẹp. Cô Trâm lo việc làm mão cho vua, lần đầu sao trông giống có cây Noel trên đỉnh đầu,lần sau sửa lại, khá hơn, chấp nhận được. Giày của Vua cũng phải đi mượn hai, ba nơi, cuối cùng Quang Trung Phượng đành phải mang giày gót cao của cô Mẫn (yên tâm, các kép cải lương, các nam ca kịch sĩ không đủ “tầm vóc”vẫn mang giày đế  cao 4,5 phân là chuyện binh thường!!!). Cô Trâm vì chưa từng trang điểm cho đào kép hát tuồng nên đã vẽ râu quá lợt và chân mày nịnh cho vua Quang Trung. Tôi đã làm gan tô đậm lại bộ râu cho Phượng mà run tay, sợ bên cao bên thấp, không biết vẽ theo kiểu nào: ngạnh trê, cá chốt hay râu quặp thì sao? Nữ nghệ sĩ cổ nhạc Ngọc Hà đã sửa lại cặp chân mày của Phượng cho thành chân mày tướng.

SauBucManNhung06Vua Quang Trung trong màn mở đầu

Trong thời gian tập luyện có nhiều chuyện khá vui đã làm cho anh chị em chúng tôi càng thấy gần gũi nhau hơn, tôi chỉ xin ghi lại một vài chuyện thôi. Như anh Huyện, theo tôi nghĩ anh chưa “diễn tuồng” bao gìờ, anh đã thay vợ trong đội cầm bảng và làm quân sĩ cho vua Quang Trung Phượng mà cô Phượng là người  kiểm soát anh kỹ nhứt: ”Sao anh đi lệt bệt vậy?” (vì anh đang mang giày đi làm quá nặng). ”Sao anh không giơ cao bảng lên mà buông thòng xuống chân vậy”? (lúc anh đang đứng chờ để ra trình diễn, DVD còn ghi rõ ràng). Anh nhìn vợ cười hiền: ”Sao em không nói người khác, mà cứ chĩa mũi dùi vô anh hoài vậy?". Cô vợ âu yếm liếc xéo: ”Hỏng dám đâu, ngu sao nói, phù mỏ sao?". Dễ thương nhất là cô Long, một hôm khoe với tôi: ”Em mới mua đôi giày gót cao nè, cô mua 1 đôi đi, để mình mang lúc trình diễn cho đẹp”. Tôi đứng dậy mang thử, hai chân tôi đâu có so le, cẳng dài cẳng ngắn mà tôi đi khập khiễng? Hóa ra vì mua vội, cô đã lấy 2 chiếc kiểu tương tự chứ không giống nhau mà chiều cao của đế giày cũng không bằng nhau!!! Cũng phải nói tới Lộc vài hàng: Lộc có khổ người cao lớn, đặc biệt giọng nói “rền vang” như chuông đồng. Năm rồi (2011) anh đã không chịu nhận vai võ tướng, có lẽ vì anh sợ không có thời giờ tập dợt. Năm nay thiếu người quá, anh bị “bắt” làm công an, vai nầy quá hợp với anh, nhưng sau đó anh vắng mặt 1, 2 tuần vì bận đi làm nên bị mất job ”công an”. Anh không chút giận hờn còn nhảy vô ”đầu quân” làm lính cầm cờ khi “non sông” đang cần. Dáng anh to lớn dềnh dàng, múa cờ nhanh và rất mạnh, nhưng theo sáng kiến riêng của mình chớ không theo bài bản của đạo diễn, nhìn anh đi theo vua Quang Trung Phượng thấp bé, thấy cũng vui và hay hay!!! Còn, còn rất nhiều chuyện vui vui dễ thương của các anh chị em khác nữa nhưng bài đã quá dài rồi, xin thứ lỗi và hẹn trong tương lai, các anh chị chưa được nhắc tới sẽ ưu tiên.

 SauBucManNhung08Dáng to lớn dềnh dàng đi theo vua Quang Trung thấp bé (may mà đi cuối).

Cuối cùng, tôi xin mạn phép Hội được cám ơn cô Trúc Quân đã bỏ rất nhiều công sức để giúp Hội chúng tôi hoàn thành mỹ mãn họat cảnh “Ngày trở về”. Về phần nội bộ, công trạng đầu đưa hoạt cảnh đến thành công phải là của anh tổng thư ký Phấn. Anh đã vượt qua những đa đoan của chuyện nhà, chuyện con cái để đầu tư bao nhiêu tâm ý và công sức cho kịch bản, kế đó là của các thành viên trong ban chấp hành dù rất bận việc tổ chức đại hội và sau cùng là của tất cả các anh chị em trong ban “văn nghệ”, trong đó có các anh chị em vừa mới gia nhập hội. Làm sao không cảm kích được khi các anh chị không quản thời giờ, không kể thời tiết khắc nghiệt, không nề hà nhận bất cứ vai nào, những vai không thích hợp với mình, không buồn giận khi bị đổi vai, đổi vị trí.
Bài viết behind the scene của tôi quá dài, quá tỉ mỉ, chắc chắn sẽ làm các bạn rối mắt và nhàm chán, nhưng đây là chủ ý của tôi, tôi muốn ghi lại tất cả những dữ kiện vui buồn của tất cả các anh chị em đã tham gia, dù biết hoạt cảnh ”Ngày trở về“ có nhiều sơ hở và diễn xuất còn non kém nhưng nó sẽ là một lưu niệm quí giá, một bảng đồng vinh danh cho riêng tất cả 31 anh chị em chúng tôi.
Trên đây là những ghi nhận và cảm nghĩ của riêng tôi, nếu có những điều thiếu sót, những nhận định chưa đúng, tôi rất vui lòng đón nhận những phản hồi của quí vị. Xin cám ơn trước.


Ngàỵ25/12/2012
Hoa Phấn
Hội Ái Hữu Liên Trường Kỹ Thuật Việt Nam/Úc Châu


Ghi chú : (1) Hoa lạc giữa rừng gươm, ý nói anh Huyện là 1 bông hoa bị lạc ở giữa rừng gươm (5 cô: Thảo, Trinh, Hiệp, Nguyệt, Trâm)!!!

                               

Bình luận  

 
0 #4 Anh Tuan Thứ 6-05-13 15:27
Bai viet ti mi qua hay va qua cam dong ...
 
 
0 #3 Nguyen Minh Tam Thứ 3-04-13 16:03
Thinh thoang xem lai cung vui, chung ta da the hien tinh than doan ket thay tro,va các ban hữu trường ky thuật mien Nam ngay trứơc,hy vong chung ta se mai mai gửi vung mai trường KT luon luon kinh trong,thương yeu,va dum boc trong tinh than người con KT.
 
 
0 #2 Vũ Hữu Lộc Chủ nhật-01-13 14:28
thiet tinh cai ong Bill nay bai viet cua co Phan, phu nhan cua thay phan khong phai cua" ong Hoa phan" dau ong a! chac ong phai di hop voi chung toi thuong,bai viet that hay Thay co trong ban co van va luon nang dong di dau cho hoc tro "lui thui "di sau,chung toi doi bai viet nay lau roi bay gio Chuong moi dua len,thanks nhieu.
 
 
0 #1 Bill Tran Thứ 4-01-13 18:39
Cám ơn ông Hoa Phấn viết lại bài nầy cho bà con mình hiểu được cái nhọc nhằn ,khổ ải để tạo nên hoạt cảnh "Ngày trở về" .Chỉ có cây nhà lá vườn mà làm được vậy là quá hay rồi .
Chỉ tiếc một điều bài nầy đăng lên hơi muộn ,nếu sớm hơn tôi đã chôm một số ý kiến để viết Sớ Táo Quân...
 

Bạn không có quyền bình luận.